SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng tầm gạo Việt

[28/11/2017 16:32]

Tại Hội nghị quốc tế về thương mại gạo lần thứ 9 năm 2017 vừa được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), giống gạo ST24 của Việt Nam đã lọt Top đầu, xếp thứ 2 trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Điều này cho thấy, doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu (XK) đã có sự chuyển biến, chủ động sản xuất các loại gạo chất lượng cao.

XK tăng trưởng mạnh

Gần hết năm 2017, gạo đang quay lại “đường đua” XK mạnh mẽ với kim ngạch liên tục tăng trưởng cao những tháng gần đây. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK gạo 10 tháng đầu năm đạt 5 triệu tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016; trị giá đạt 2,23 tỷ USD, tăng 20,3%. Cơ cấu gạo XK tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao. Sự chuyển biến này cũng phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK.

XK gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng tại hầu hết các thị trường như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh… theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất, chiếm gần 40% tổng kim ngạch XK gạo của Việt Nam với 2,03 triệu tấn, tương đương 909,04 triệu USD, tăng 35% về lượng và 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp theo là Philippines, Malaysia, Ghana, ASEAN… Đặc biệt, 10 tháng đầu năm, hai thị trường mới là Senegal và Iraq tăng rất mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. XK gạo sang Iraq tăng mạnh, gấp 91 lần về lượng và gần 108 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 98.023 tấn, tương đương 51,45 triệu USD. XK sang Senegal tăng gấp 178 lần về lượng và tăng gấp gần 90 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24.963 tấn, tương đương 8,18 triệu USD.

Không chỉ thuận lợi về thị trường, giá gạo XK cũng tăng mạnh liên tục từ tháng 6 đến nay. Nếu như thời điểm đầu tháng 6, giá gạo trung bình là 360 USD/tấn thì đến tháng 10 đã tăng 509 USD/tấn, trung bình 10 tháng đầu năm đạt 448,6 USD/tấn.

Vẫn còn dư địa

Dư địa để tăng trưởng XK gạo vẫn còn tương đối nhiều, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc, khi gạo trắng 5% tấm của Việt Nam hiện rẻ hơn gạo nội địa của nước này. Trung Quốc đang tiến tới chính sách giao thương theo đường chính ngạch, ngoài 23 DN đã được kiểm tra và cho phép XK, Trung Quốc đang kiểm tra, đánh giá để cấp phép thêm cho 9 DN XK gạo của Việt Nam. Các thị trường khác như Sri Lanka, Philippines… cũng tung ra nhiều gói thầu nhập khẩu gạo trong những tháng cuối năm. Thị trường châu Phi, Iraq… cũng đang có nhu cầu lớn về gạo, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mặt hàng này.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm nay, nhiều DN đã quan tâm hơn đến sản xuất các giống gạo chất lượng cao, gạo đặc sản. Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tỷ lệ canh tác giống lúa thơm Jasmine 85, Tài nguyên, Nàng hoa 9, VD 20, OM 4900… DN cũng tăng cường sử dụng những giống lúa mới nhất, nâng cao chất lượng gạo XK. Kết quả, giống lúa ST24 ngắn ngày, có năng suất trên 5 tấn/ha và mùi thơm hương dứa được đưa vào sản xuất thành công, giúp gạo Việt xếp vào Top 3 loại gạo ngon nhất thế giới.

Hỗ trợ cho hạt gạo XK, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai Chiến lược Phát triển thị trường XK gạo theo hướng giảm lượng, tăng giá trị. Các địa phương cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng chứng nhận GAP, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để có sản phẩm đạt vệ sinh, an toàn thực phẩm và tiêu chí, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu… với kỳ vọng hạt gạo Việt Nam sẽ định vị được thương hiệu mạnh hơn trên thị trường. 

Trước tình hình XK khả quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nâng mục tiêu XK gạo năm nay lên 5,6 triệu tấn thay vì 5,2 triệu tấn trước đó, hiện đạt 91% kế hoạch.

 

baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài