SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội thảo chuyên đề “Phát triển các hoạt chất sinh học tự nhiên từ thực vật cho nghề nuôi thủy sản thân thiện môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”

[25/01/2018 17:01]

Sáng ngày 25/1, Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức hội thảo báo cáo dự án “Phát triển các hoạt chất sinh học tự nhiên từ thực vật cho nghề nuôi thủy sản thân thiện môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” - Dự án AquaBioActive do Trường Đại học Namur (Bỉ) và Trường Đại học Cần Thơ đồng chủ trì dự án.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cùng đại diện các Sở, ban, ngành, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố.

Dự án AquaBioActive được thực hiện trong vòng 5 năm từ 2015- 2020 với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam thông qua việc cải thiện môi trường nuôi sạch hơn, bảo vệ sức khỏe người nuôi cá và người tiêu dùng (giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, sản phẩm sạch cho người tiêu dùng), tiếp cận thị trường xuất khẩu an toàn hơn. Dự án đã triển khai các nội dung như sau: Nghiên cứu một số loại cao chiết của các thảo dược ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng cho thủy sản; Đánh giá hoạt tính chống Oxy hóa và kháng khuẩn In vitro của cao chiết thảo dược – khả năng ứng dụng của cao chiết trong bảo quản lạnh cá tra phi lê; Ảnh hưởng của chất chiết xuất từ thực vật lên hệ miễn dịch cá Tra (Pangasianodon Hypophthalmus) trên tế bào và trên cơ thể cá.

Quang cảnh buổi hội thảo

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy cao chiết từ cây cỏ sữa lá lớn có kết quả HPLC có sự hiện diện của rutin và quecitrin , phân lập được 2 hoạt chất này từ cao methanol, tiến hành khảo sát hoạt tính kháng oxi hóa của các cao phân đoạn của cỏ sữa lá lớn và 2 hoạt chất cô lập được cho thấy cao methanol và rutin, quercitrin đều có khả năng kháng oxi hóa tốt. Nhóm cao chiết có hoạt chất chống oxi hóa cao: Diệp hạ châu - Trầu không - Ổi - Cỏ sữa - Mắc cỡ, hoạt tính kháng khuẩn Diệp hạ châu, triển vọng ứng dụng trong bản quản lạnh cá tra phi lê. Chất chiết xuất có khả năng kích thích miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu của tế bào bạch cầu cá Tra thu được từ máu và thận, trong đó 5 chất chiết xuất từ tỏi, sầu đâu, gừng, cỏ sữa. Diệp hạ châu có hoạt tính miễn dịch tốt nhất, thức ăn được bổ sung chiết xuất từ thực vật kích thích gia tăng đáp ứng miễn dịch dịch thề cá tra sau 4 và 8 tuần cho ăn, chất chiết xuất từ thực vật có khả năng bảo vệ cá chống lại vi khuẩn E.ictaluri và làm giảm tỷ lệ chết, nghiệm thức bổ sung 0.2 và 1%/kg thức ăn chất chiết xuất từ ổi; 2%/kg thức ăn chất chiết xuất từ mắc cỡ có thể được ứng dụng hiệu quả trong phòng và trị bệnh cá tra, phối trộn chiết xuất ổi và diệp hạ châu dạng riêng lẻ hay kết hợp với thức ăn có thể làm tăng đáp ứng miễn dịch cá và kháng bệnh do vi khuẩn E.ictaluri sau 6 tuần cho ăn.

Sở KH&CN TPCT
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ