SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ 4.0 và cuộc giải cứu đại dương của Trái Đất

[05/02/2018 11:01]

Công nghệ nhận diện khuôn mặt thậm chí có thể được sử dụng để tự động hoá việc theo dõi đánh bắt cá, nhận diện được loài cá ngay khi đánh bắt, góp phần bảo vệ những loài đang trên bờ tuyệt chủng.

Đến năm 2050, số lượng rác thải nhựa ở đại dương sẽ nhiều hơn cá. Ảnh: Ocean Conservancy. (Việt hóa: Quang Niên)

Khi đại dương không còn là mỏ vàng vô tận

Đại dương chiếm 99% không gian sống trên Trái Đất. Nó cung cấp sinh kế, nuôi dưỡng hơn 3 tỷ người, và mang lại 3 nghìn tỷ đô la cho kinh tế toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, trong quá khứ, đại dương dường như quá rộng lớn nên phần lớn bị con người lãng quên. Con người rất ít khi quan sát được diễn biến dưới lòng đại dương và thậm chí cả trên mặt nước. Họ hoàn toàn tin tưởng rằng, đại dương là vô tận, nó có thể cung cấp cá và thậm chí hấp thụ tất cả những rác thải của con người.

Tuy nhiên, không còn là quá sớm khi nói đại dương đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Hầu hết ngư dân các nước đã khai thác quá mức sản lượng cá và hơn thế nữa. Đại dương đã giúp giảm bớt các tác động của con người lên khí hậu (như hấp thụ 30% khí thải CO2 và 90% lượng nhiệt sản xuất dư thừa). Và để trả ơn, con người lại đang làm cho đại dương nóng lên và nhiều axit hơn.

Vào năm 2015, 2016, nhiệt độ toàn cầu tăng cao đã tẩy trắng 70% rạn san hô trên thế giới. Phân bón thải ra từ các thửa ruộng làm chết hơn 400 khu vực ven sông và cửa sông. Bên cạnh đó, hằng năm ghi nhận khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra sông. Dự đoán đến năm 2050, sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cá ở dưới đại dương.

Trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), chính phủ các quốc gia đã thống nhất về một chương trình đầy tham vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng này. SDG 14 đưa ra một loạt các mục tiêu nhằm quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên biển. Bao gồm việc quản lý tốt hơn về thủy sản lớn và nhỏ; bảo vệ các nguồn tài nguyên trọng điểm; và phát triển bền vững cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS). Để đạt được thành công đòi hỏi sự hành động mạnh mẽ từ chính phủ, cộng đồng, công ty và xã hội. Và khai thác sức mạnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là điều thiết yếu.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể cứu đại dương? Ảnh: World Economic Forum. (Việt hóa: Quang Niên)

Chiến dịch giải cứu mang tên 4.0

Ngày nay, các chủ đề về đại dương đang được dấy lên và nhanh chóng đi vào tâm điểm của sự chú ý. Các công nghệ mới từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra một cuộc cách mạng thông tin và biến đổi mối quan hệ giữa con người với đại dương. 

Một loạt bộ cảm biến tiên tiến được vận chuyển bởi vệ tinh, máy bay trực thăng, lưới đánh cá và thậm chí là ván lướt sóng - đang tạo ra một loạt dữ liệu mới. Các kỹ thuật phân tích mới, như khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, chuyển các luồng dữ liệu này thành kiến thức, cung cấp công cụ mới mạnh mẽ cho chính phủ và cộng đồng để quản lý tài nguyên đại dương. Tất cả đều nằm trong một quy trình minh bạch, đủ tin tưởng cho người sử dụng tài nguyên cũng như các doanh nghiệp.

Các công nghệ mới có thể giúp chính phủ quản lý tốt hơn nghề chài. Những chiếc máy bay không người lái trên biển có thể đi tuần biển trong một năm, đưa ra một giải pháp hiệu quả để đánh giá trữ lượng cá và tuần tra các khu vực xa xôi. Việc báo cáo theo thời gian thực cho phép quản lý linh động việc đánh bắt nhằm ngăn chặn sự suy giảm của các loài cá cần được bảo vệ. Công nghệ nhận diện khuôn mặt thậm chí có thể được sử dụng để tự động hoá việc theo dõi đánh bắt cá, nhận diện được loài cá ngay khi bị đánh bắt.

Công nghệ mới tạo ra những khả năng mới cho các nghiệp đoàn nghề cá quy mô nhỏ. Các ứng dụng điện thoại thông minh có thể cung cấp thông tin về thời tiết, trữ lượng cá và giá cả thị trường; cung cấp nền tảng cho ngư dân thu thập dữ liệu về nơi họ đang câu cá và những gì họ đánh bắt, giúp họ đạt được sự bền vững và tiếp cận các thị trường mới.

Khi chính phủ tăng gấp đôi nỗ lực bảo vệ các khu vực biển quan trọng, công nghệ 4.0 sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ các khu bảo tồn. Các tàu lớn được trang bị hệ thống nhận diện tự động AIS kết nối với vệ tinh theo dõi. Dữ liệu AIS kết hợp với bộ dữ liệu khác và khoa học máy tính để theo dõi việc đánh bắt, cho phép các quốc gia kiểm soát tất cả các vùng nước trong giới hạn 200 dặm. Ví dụ, vào năm 2015, quốc đảo Kiribati của Thái Bình Dương đã sử dụng Global Fishing Watch để bẫy một tàu đánh cá hoạt động bất hợp pháp tại Khu bảo tồn Quần đảo Phoenix và thu tiền phạt 2 triệu đô la.

Những phát minh này mở ra những cơ hội mới cho phát triển bền vững trong SIDS, nơi mà nền kinh tế phụ thuộc vào sức khỏe đại dương. Chúng cho phép các quốc gia giám sát và điều tiết đội tàu đánh cá trong nước, cũng như các đội tàu nước ngoài có giấy phép đánh cá hoặc cướp biển. Hơn nữa, chúng còn cho phép theo dõi điều kiện đại dương để giúp duy trì sức khoẻ của hệ sinh thái đại dương.

 

 

Các robot lấy cảm hứng từ Mẹ Thiên nhiên cũng bắt đầu được sử dụng để bảo vệ đại dương. Robot kiểm tra đường ống trên giàn khoan ngoài khơi; robot cua thu thập dữ liệu mới về đáy biển; và robot sứa, robot cá ngừ thực hiện nhiệm vụ giám sát môi trường... Ảnh: Boston Engineering

Giới hạn của công nghệ

Sự phát triển của công nghệ trong đại dương cũng là một lý do để thận trọng. Thông thường, những tiến bộ kỹ thuật như dụng cụ đánh bắt mạnh hơn, khoan dầu sâu hơn, công nghiệp hóa nông nghiệp - đã làm gia tăng sự cạn kiệt và ô nhiễm. Vì sự đổi mới cho phép khai thác nhiều hơn, trong khi khâu quản lý của nhà nước vẫn còn yếu kém; nên rất cần những hành động bảo vệ môi trường biển mạnh mẽ hơn từ chính phủ và doanh nghiệp.

Để thành công đòi hỏi phải có cam kết linh hoạt - mở ra các chế độ quản lý chặt chẽ và tận dụng các công cụ sẵn có hiện nay - để quản lý năng động, hiệu quả hơn trong việc thực thi luật pháp và kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó, việc chấp nhận để các nhà quản lý và cộng đồng thử nghiệm tìm ra các biện pháp quản lý tốt hơn các nguồn lực của họ là cần thiết.

Quan trọng nhất, khai thác sức mạnh của 4IR sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều bên - cho phép ngư dân, người sử dụng tài nguyên khác, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và người tiêu dùng tìm ra những giải pháp sáng tạo bằng công nghệ để giải quyết vấn đề.

Với sự linh hoạt, và sự chung tay của tất cả các bên, 4IR có thể là một nguồn lực mạnh mẽ trong việc đạt được SDG 14. Duy trì nguồn tài nguyên đại dương là vô cùng quan trọng cho tương lai của chúng ta và con cháu chúng ta.

Các thuật toán tinh vi đang được phát triển để xử lý dữ liệu của các đại dương nhằm phát hiện các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, tăng cường an ninh hàng hải và giúp xây dựng các kế hoạch phân vùng thông minh, cân bằng hơn với nhu cầu của ngư dân, vận tải và bảo tồn. Ảnh: Windward

khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ