SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, tạo nền tảng tăng năng suất lao động

[20/03/2018 08:23]

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ KH&CN hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đóng góp vào quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về vấn đề năng suất. Ảnh: VGP 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh diễn ra chiều 19/3, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã đặt vấn đề về các giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Dẫn ra chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng là “tinh thần xuyên suốt của các thành viên Chính phủ”, đó là tập trung mọi lực lượng để nâng cao năng suất lao động, vì đây là cơ sở để phát triển bền vững đất nước trong tương lai, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, về năng suất lao động và vai trò của khoa học - công nghệ, chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII và Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện rất rõ.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cần tập trung mọi điều kiện từ nội lực, tức là từ các kết quả nghiên cứu phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh vào 4 nhóm đối tượng. Trong đó bao gồm nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, tạo điều kiện để có cơ sở để triển khai nghiên cứu công nghệ; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải nhanh chóng nhận chuyển giao khoa học công nghệ để ứng dụng; nhóm doanh nghiệp chưa tiếp nhận chuyển biến kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ; nhóm các doanh nghiệp khởi điểm sáng tạo, hiện số lượng này đang tăng nhanh.

“Đây là những nhóm giải pháp chúng tôi tập trung thực hiện để thúc đẩy khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ.

Liên quan tới vấn đề trên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hơn 20 năm qua, mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh thứ hai thế giới, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành, nhưng thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí khoảng 125 trên thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực vẫn đứng ở khoảng 115-120, năng suất lao động Việt Nam rất thấp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, vốn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, thì phải đẩy mạnh KHCN, thực hiện thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu vốn, cơ cấu nguồn lao động, định hướng mới về thị trường, dịch vụ, hàng hoá, nguồn nhân lực…

Riêng đối với KHCN, trong rất nhiều việc, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý “cơ chế thiết thực, động lực kinh tế để các DN thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thấy được sự cấp thiết phải làm KHCN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa cơ chế tự chủ để các viện nghiên cứu sử dụng có hiệu quả nguồn lực dành cho KHCN, đưa công tác nghiên cứu KHCN trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong các trường đại học.

“Nhà nước phải tạo môi trường thực sự đồng bộ từ các chính sách kinh tế để DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo đến nguyên lý chấp nhận rủi ro, độ trễ khoa học trong vận hành các thiết chế đầu tư cho KHCN. Chúng ta đã có ví dụ rất tốt như mô hình Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) khi những đề tài được quỹ này tài trợ 50% kinh phí đã chiếm 1/4 tổng số nghiên cứu công bố khoa học quốc tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây”, Phó Thủ tướng nói.

Muốn tăng năng suất lao động phải hình thành xã hội sáng tạo

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, NSLĐ Việt Nam hiện nay phải trở thành một động lực của tăng trưởng, năng suất lao động NSLĐ cũng thể hiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

NSLĐ Việt Nam thấp có liên quan rất lớn đến năng lực đổi mới, sáng tạo của người lao động. Người lao động không được làm việc trong môi trường được tự do sáng tạo và có tư tưởng khuyến khích sáng tạo. Tại Việt Nam, nhiều ngành, nghề và nhiều ý tưởng của người dân, doanh nghiệp nếu cơ quan quản lý không quản được thì bị cấm ngay. Muốn tăng NSLĐ đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo. Mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần phải được xã hội nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để tăng NSLĐ.

Mặt khác, NSLĐ liên quan mật thiết với thu nhập bình quân của người lao động, bởi đó là thặng dư giá trị họ mang về cho mình. Tuy nhiên, người Việt Nam hiện nay đang bị “giới hạn thặng dư”, hay nói khác là nhiều cách quản lý của cơ quan bộ, ngành đang cản trở người dân làm giàu chính đáng bằng cơ chế không “quản được thì cấm”.

Muốn tăng trưởng phải cải thiện NSLĐ, giải quyết ngay các nút thắt cổ chai về cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ để tăng giá trị cho sản phẩm.

 

vietq.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ