SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Không quan tâm tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp sẽ phải trả giá đắt

[09/04/2018 08:36]

Dù doanh nghiệp trong nước không xuất khẩu, không quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng vẫn sẽ bị doanh nghiệp ngoại ‘đánh' lại bằng chứng nhận chất lượng ngay trên sân nhà.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp bày bán tại siêu thị Việt Nam. Ảnh: DNĐT.

Đó là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tại hội thảo “Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng để hội nhập thị trường thế giới” do đơn vị này tổ chức mới đây.

Cần ‘nâng chất’ cho hàng trong nước

Bà Hạnh cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành bộ tiêu chí chuẩn hữu cơ cho doanh nghiệp Việt. Đây được xem là một trong những nỗ lực lớn của Bộ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt chú trọng đến tiêu chí tiêu chuẩn chất lượng trong bối cảnh hội nhập.

Bởi, hiện nay “hàng rào” kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng luôn được các quốc gia là thị trường xuất khẩu của Việt Nam hướng đến.

Cụ thể, tại Anh bộ tiêu chuẩn BRC của Hiệp hội các nhà bán lẻ nước này đề ra được xem là bộ tiêu chuẩn khắt khe tại Châu Âu hiện nay trong vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng các mặt hàng nông sản. Bộ tiêu chuẩn này đi kèm với trách nhiệm của Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh khi gặp các vấn đề về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, nhiều tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu như GlobalGAP, IFS (của Liên đoàn bán lẻ Đức và Pháp), GMP+ International (chuẩn về thức ăn chăn nuôi toàn cầu)… đều là công cụ mà bất cứ nước nào muốn hội nhập đều phải có.

Tại nước ta, báo cáo Quản lý rủi ro về an toàn thực phẩm Việt Nam do Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện vào tháng 3/2017 chỉ rõ, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam mất an toàn thực phẩm vẫn đang có mặt trên thị trường.

Báo cáo này cũng chỉ rõ, phần lớn các nhà sản xuất trong nước đều không đáp ứng các yêu cầu cơ bản về an toàn thực phẩm. Khả năng truy xuất nguồn gốc trong trong toàn chuỗi cung ứng thực phẩm còn lỏng lẻo….

Bà Hạnh chia sẻ, vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện nay nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang làm. Tuy nhiên, để có thể khẳng định một đơn vị cung cấp với công nghệ vượt trội mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng chưa thật sự rõ ràng.

Lưu ý về ghi nhãn khi xuất khẩu

Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, thời gian qua nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ bị thu hồi vì vi phạm quy định về cảnh báo ghi nhãn dị ứng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị tổn hại giá trị thương hiệu rất lớn dù vi phạm này không liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Ông Thành cho biết, chất gây dị ứng không phải là chất độc, nó có trong các thực phẩm có protein như sữa, cá, trứng, đậu phộng….

Có 8 thành phần doanh nghiệp phải khai là sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt, bột mì, đậu nành, cá, các loại giáp xác và các hương liệu, phụ gia chiết xuất từ các thành phần trên. Nay là 8 chất, sau này có thể tăng lên 9, 10 chất, các doanh nghiệp phải lưu ý vì có rất nhiều thực phẩm có protein, chuyên gia Vũ Thế Thành nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, khó là ở chỗ Hoa Kỳ quy định nhãn cảnh báo chất gây dị ứng phải đáp ứng yêu cầu làm sao để người tiêu dùng nhận biết nhanh chóng, dễ hiểu và chính xác. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không chỉ từ các nước mà ngay cả Mỹ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho hay, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm thông tin về trình bày, ghi nhãn theo quy định của nước nhập khẩu để tránh mắc lỗi vi phạm về hình thức. Như thế, chất lượng sản phẩm là chưa đủ, doanh nghiệp có thể trả giá đắt vì ghi nhãn không đúng khi xuất khẩu.

www.vietq.vn (ttncac)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ