SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tác động của xâm nhập mặn do biến đồi khí hậu trên hiện trạng canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng

[12/04/2018 09:27]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Điệp, Danh Huội và Nguyễn Trọng Cần - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: vccinews.vn

Lúa là cây lương thực chính của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng (2014), sản lượng lúa tăng mạnh do người dân đã dần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất vào canh tác lúa, sử dụng giống mới cùng việc nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến vô cùng phức tạp do biến đổi khí hậu (BĐKH) qua các biểu hiện của hiện tượng thời tiết bất thường như nhiệt độ tăng, hạn hán và đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn vùng ven biển, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác lúa và các hoạt động nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực tại địa phương. BĐKH làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đáng kể nhất là vùng đất thấp canh tác nông nghiệp ở ven biển ĐBSCL bị ngập mặn do NBD trên hiện trạng canh tác lúa, hoa màu, làm muối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều đồng ruộng vùng đồng bằng ven biển đang dần bị hoang mạc hóa, đất bị nhiễm mặn, hạn hán gia tăng, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, sản lượng giảm dần (Đặng Văn Phan và ctv., 2012). Xâm nhập mặn vừa là kết quả của các hiện tượng thiên tai vừa là nguyên nhân góp phần cùng các thiên tai khác ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân và trong điều kiện thời tiết khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường và bất lợi như hiện nay, tình hình xâm nhập mặn có thể vẫn tiếp tục gia tăng và gây tác động xấu (UNDP, 2015). Theo Tổng cục Thủy Lợi, trong vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2015-2016 hơn 90.000 ha diện tích lúa thiệt hại tại ĐBSCL, trong đó tỉnh Sóc Trăng có khoảng 6.300 ha lúa bị thiệt hại. Theo nghiên cứu của Phạm Lê Mỹ Duyên (2012), qua các kịch bản ứng phó với BĐKH và nước biển dâng thì diện tích đất nông nghiệp bị ngập tăng dần lên và gần tăng gấp 1,5 lần giữa kịch bản B2 và A1, huyện Vĩnh Châu bị nhiễm mặn với nồng độ cao (trên 25 g/l) gây ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của cây trồng và vật nuôi. Theo Pham Thanh Vũ (2016), sự thay đổi của điều kiện tự nhiên như xâm nhập mặn (thời gian và độ mặn) và ngập (thời gian và độ ngập) ngày càng gia tăng làm cho mức độ thích nghi các vùng ngọt có xu hướng giảm xuống và vùng mặn, lợ có xu hướng tăng lên, làm thay đổi diện tích thích nghi của các kiểu sử dụng đất, thời gian tới đất trồng lúa sẽ có xu hướng giảm xuống, thay vào đó là diện tích các kiểu sử dụng thuộc vùng sinh thái mặn, lợ (chuyên tôm, lúa tôm, tôm - rừng) sẽ gia tăng tại các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và tỉnh Bến Tre.

Sóc Trăng là một trong các tỉnh ven biển và có thế mạnh về sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu theo dõi và đánh giá tác động của BĐKH do yếu tố mặn đến vùng canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng theo 2 kịch bản BĐKH năm cơ sở 2004 và 2030. Nghiên cứu phân tích chuỗi ảnh chỉ số thực vật (NDVI) đa thời gian trên dữ liệu MODIS (MOD09Q1) độ phân giải không gian 250 m từ 31/07/2014 đến 31/07/2015 kết hợp với ảnh vệ tinh Landsat 8 nhằm xây dựng bản đồ hiện trạng mặt phủ từ đó xác định vùng cơ cấu canh tác lúa tỉnh Sóc Trăng. Kết quả phân tích ảnh viễn thám đã xác định được vùng canh tác lúa bao gồm 3 cơ cấu chính: lúa 3 vụ (99.182,2 ha chiếm 30,3% tổng diện tích tự nhiên), lúa 2 vụ (69.484,2 ha chiếm 21,2%) và lúa-tôm (69.484,2 ha chiếm 4,3%) với độ tin cậy cao (chỉ số Kappa = 0,78) dựa trên 100 điểm khảo sát thực tế. Diện tích canh tác lúa bị ảnh hưởng theo 2 kịch bản BĐKH năm cơ sở 2004 và năm 2030 phân bố chủ yếu trên 3 huyện gồm huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và Trần Đề. Diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng giữa năm cơ sở 2004 và năm 2030 theo đơn vị hành chính cho thấy diện tích canh tác lúa-tôm bị ảnh hưởng tại huyện Mỹ Xuyên tăng khoảng 14,7 ha, diện tích lúa 2 vụ bị tác động tại huyện Trần Đề với giảm khoảng 155,5 ha và diện tích lúa 3 vụ bị ảnh hưởng mặn tại huyện Long Phú giảm khoảng 35,5 ha.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Số Môi trường 2017
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài