SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khối lượng bồi tích và thành phần dinh dưỡng của phù sa trong và ngoài đê bao khép kín ở tỉnh An Giang

[13/04/2018 16:52]

Nghiên cứu do các tác giả: Bùi Thị Mai Phụng - Trường Đại học An Giang, Huỳnh Công Khánh, Phạm Văn Toàn và Nguyễn Hữu Chiếm - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên Nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Đê bao khép kín ở An Giang (Ảnh: baomoi.com)

Trong những năm gần đây một số tỉnh đầu nguồn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ nhằm gia tăng sản lượng lúa theo chủ trương của Nhà nước, đồng thời tránh rủi ro xảy ra do lũ thất thường đối với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu (Lê Cảnh Dũng, 2014). An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, hàng năm phải đối mặt với mùa lũ kéo dài khoảng 6 tháng bắt đầu từ tháng 7 – 8 đến tháng 11 – 12 dương lịch. Do nhu cầu thâm canh, tăng vụ nhằm đảm bảo an toàn lương thực, để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn đồng thời đảm bảo điều kiện an sinh xã hội cho cư dân vùng lũ nên đê bao chống lũ đã được hình thành. Đến năm 2013, toàn tỉnh có 397 tiểu vùng đê bao triệt để, kiểm soát hơn 176.079 ha. Với hệ thống đê bao tương đối hoàn chỉnh, nông dân đã chuyển đổi sản xuất từ 2 vụ sang 3 vụ lúa trên năm nhằm gia tăng năng suất, sản lượng và lợi nhuận. Đê bao khép kín đã góp phần bảo vệ mùa màng, tài sản, tạo điều kiện tốt cho chăn nuôi, cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi và tạo việc làm cho người dân.Tuy nhiên, thâm canh tăng vụ với cường độ cao có thể làm cho đất không được nhận phù sa hàng năm, đất bị bạc màu, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tác động đến chế độ lũ ở thượng và hạ nguồn (Nguyễn Hiếu Trung, 2009). Bên cạnh những lợi ích mà đê bao mang lại thì việc xây dựng hệ thống đê bao còn hạn chế sự trao đổi nước, đặc biệt là các tháng nước lũ, ảnh hưởng đến chất lượng nước trong khu vực. Ngoài ra, việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng nông dược thường xuyên đã gây chết đa phần các loài thủy sản, đồng thời cũng không còn nơi cho sự trú ẩn và sinh sản của nhiều loài cá đồng (Trương Thị Nga và ctv., 2007). Xuất phát từ những vấn đề trên, nghiên cứu “Đánh giá khối lượng bồi tích và thành phần dinh dưỡng của phù sa trong và ngoài đê bao tỉnh An Giang” được thực hiện.

Hệ thống đê bao khép kín đã được xây dựng ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tỉnh An Giang đã có ảnh hưởng phần nào đến khả năng bồi tích phù sa hằng năm vào trong đồng ruộng. Việc xác định khả năng bồi tích và đánh giá thành phần dinh dưỡng phù sa tại 4 huyện (Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân và Thoại Sơn) của tỉnh An Giang đã được thực hiện liên tục trong 3 năm (2013-2016). Mỗi huyện đặt 15 bẫy phù sa trong đê và 15 bẫy phù sa ngoài đê, bẫy được làm bằng vải nylon có diện tích 1 m2, được đặt trên mặt ruộng trước khi lũ về (tháng 8) tại các điểm cố định (đượcxác định bằng thiết bị định vị toàn cầu). Sau khi lũ rút (tháng 12) khối lượng phù sa được thu thập và phân tích thành phần hóa học. Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng phù sa trung bình hằng năm bồi tích ngoài đê (22,5 tấn/ha) cao hơn gấp 5 lần (4,4 tấn/ha) so với trong đê và khác biệt có ý nghĩa. Tổng lân và chất hữu cơ của phù sa trong đê cao hơn ngoài đê và khác biệt có ý nghĩa. Hàm lượng đạm tổng số của phù sa trong đê thấp hơn ngoài đê (0,33%N và 0,65%N) và khác biệt có ý nghĩa, riêng tổng kali (1,42%K2O và 1,44%K2O) thì không khác biệt. Việc xả lũ định kỳ 3 năm/lần của huyện Phú Tân (năm 2015) đã cho thấy khối lượng phù sa bồi tích được 4,7 tấn/ha. Tổng lượng dinh dưỡng N,P,K có trong phù sa của đợt xả lũ định kỳ chỉ đáp ứng được 8,73%, 9,43% và 82,7% so với nhu cầu sử dụng phân hóa học thực tế của người dân.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Số Môi trường 2017
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ