SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cách mạng 4.0 nhưng chỉ 4% người Việt Nam dùng ngân hàng điện tử?

[25/05/2018 15:09]

Khảo sát của Cty nghiên cứu thị trường Kantar TNS cho thấy, chỉ có 4% người Việt Nam trả lời có dùng ngân hàng điện tử (Internet Banking). Tỷ lệ này ở các nước mới nổi ở châu Á là 12%. Trung bình trên thế giới, con số này đạt tới 39%, tức cao gần 10 lần so với Việt Nam.

Mức độ sử dụng công nghệ trong tín dụng tiêu dùng còn thấp

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển của tài chính tiêu dùng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Trong đó, cơ hội lớn nhất là làm tăng trải nghiệm của khách hàng vì khách hàng là trọng tâm của ngân hàng.

Theo khảo sát từ Mckinsey & Co cách mạng 4.0 có thể giảm 30 – 80% chi phí giao dịch và quản lý. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ phát triển và cung cấp sản phẩm dịch vụ với chất lượng cao hơn; tăng năng suất quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: Phong Lâm

Cùng với đó, nó cũng làm tăng khả năng kết nối và chia sẻ giữa ngân hàng với các định chế tài chính khác như Fintech và mở ra những cơ hội kinh doanh mới dựa trên công nghệ số (như thương mại điện tử, tài chính số,…). Ứng dụng công nghệ giúp ngân hàng tăng khả năng tham gia chuỗi các giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm,…

Theo ước tính của BCG thì đến năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng (năm 2014 là 32%) và dự kiến tới năm 2020 phần lớn các giao dịch có thể sẽ được thực hiện bằng hình thức online. Tài sản do các chuyên gia tư vấn tự động quản lý sẽ tăng 68%/năm lên đến 2.200 tỷ đồng (theo AT Kearney 2015) và 60% đầu tư công nghệ thông tin thuộc diện điện toán đám mây(theo IDC 2015).

Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty  cứu thị trường Kantar TNS cho thấy chỉ có 4% người Việt Nam trả lời có dùng ngân hàng điện tử (Internet Banking). Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước mới nổi ở châu Á là 12%, cao gấp 3 lần. Trung bình trên thế giới, con số này đạt tới 39%, tức cao gần 10 lần so với Việt Nam.

Trong các khảo sát khác như tỷ lệ dùng email, dùng tin nhắn trên mạng xã hội, chơi game, đọc báo, nghe nhạc,... dù có chênh lệch giữa số liệu tại Việt Nam so với các nước mới nổi ở châu Á và so với toàn cầu nhưng không có chỉ số nào có mức chênh lệch quá lớn như việc dùng Internet Banking.

Khi phát triển công nghệ là vấn đề mấu chốt

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam), để tài chính tiêu dùng tại Việt Nam thật sự phát triển, mang lại sự an toàn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng thì vấn đề công nghệ phải được đặc biệt chú ý. Trên thực tế, công nghệ chính là ‘chìa khóa’ giúp tăng cường hiện diện và nhận diện thương hiệu với khách hàng.

Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam). Ảnh: Phong Lâm

Bà Dương lý giải, với quy mô dân số với hơn 94 triệu người, phần lớn là dưới 35 tuổi (chiếm 60,5%). Đây là độ tuổi có khả năng thích ứng với các giải pháp công nghệ mới.

“Trong thời đại cách mạng 4.0, các công ty tài chính cần tận dụng sức mạnh của công nghệ để tiếp cận và mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng”, bà Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.

Ngoài ra, tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động ở Việt Nam hiện đang ở mức cao với gần 30 triệu người sử dụng điện thoại di động vào cuối năm 2017 và dự báo có thể lên tới 40 triệu người vào năm 2021. Đáng chú ý, Việt Nam hiện là một quốc gia có số lượng người sử dụng Internet phát triển nhanh và sôi động trong khu vực.

Theo thống kê, hiện có khoảng 52 triệu người dùng Internet (chiếm 54% dân số), đứng thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Do đó, dùng công nghệ để mở rộng mạng lưới khách hàng là chiến lược khôn ngoan và cần thiết với một công ty tài chính. Tận dụng công nghệ, các công ty tài chính có thể đẩy mạnh vị thế cạnh tranh so với các ngân hàng truyền thống vốn có ưu thế nhờ mạng lưới chi nhánh dày đặc.

Bên cạnh đó, với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng tại khu vực thành thị Việt Nam, nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Điều này dẫn tới hệ lụy là nhiều người dân vẫn phải tìm đến tín dụng đen hay các tiệm cầm đồ khi cần vay vốn. Để có thể cung cấp tín dụng tiêu dùng đến các vùng nông thôn, các công ty tài chính cần có những sáng kiến công nghệ mới mẻ mang tính đột phá.

“Thay vì nhìn nhận kênh số hóa như một kênh bổ trợ cho kênh truyền thống để tăng trải nghiệm cho các khách hàng hiện tại; hiện nay nhiều công ty tài chính hàng đầu thị trường như FE CREDIT, Home Credit… đã nhìn nhận kênh số hóa như một kênh độc lập, hiệu quả để thu hút khách hàng mới”, bà Dương nói.

TS Đỗ Hoài Linh, Giảng viên tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Phong Lâm

Về phía khách hàng, theo TS Đỗ Hoài Linh, Giảng viên tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các sáng kiến và giải pháp công nghệ sẽ giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại trong toàn bộ quá trình vay tiêu dùng, từ khi tìm hiểu thông tin, ký hợp đồng đến khi hoàn tất thanh toán.

Đặc biệt, các giải pháp công nghệ được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay - vốn là mấu chốt của nhiều khúc mắc giữa khách hàng và các CTTC trong thời gian qua.

Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), để tránh được các rủi ro thì việc quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định, hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các CTTC.

“Nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của dữ liệu thay thế, CIC đã và đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nguồn dữ liệu của mình, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế. Cụ thể, CIC đã tiến hành thu thập các thông tin ngoài ngành ngân hàng từ Trung tâm Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đang triển khai kết nối với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cũng như lên kế hoạch thu thập thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích của Việt Nam trong thời gian tới”, Tống Giám đốc CIC nhấn mạnh.

vietq.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ