SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cơ cấu xuất khẩu dịch chuyển theo hướng giá trị gia tăng ngày càng cao

[27/05/2018 11:30]

Dù đã đạt được kết quả tích cực song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực xuất khẩu. Báo Công Thương xin thông tin tới đọc giả một số kết quả xuất khẩu năm 2017 để thấy rõ cơ cấu xuất khẩu đã có chuyển dịch ra sao.

Cơ cấu xuất khẩu có chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, theo đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - thủy sản năm 2017 đạt 25,8 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2016; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sảng đạt 4,38 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biết đạt 174,02 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2016. 

Năm 2017, có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (hóa chất, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận và xăng dầu các loại), đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 mặt hàng và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD (gồm: điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD, hàng dệt may 26,04 tỷ USD, giày dép các loại 14,65 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 12,77 tỷ USD, thủy sản 8,32 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 7,66 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 6,99 tỷ USD).

Cụ thể, đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản. Nổi bật là mặt hàng rau quả, năm 2017, kim ngạch XK đạt 3,5 tỷ USD, tăng mạnh 42,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là ngành hàng có tăng trưởng nổi bật nhất trong nhóm, trong khi các ngành hàng khác gặp khó khăn do sụt giảm lượng và giá xuất khẩu thì ngành hàng này liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm gần đây.

Hầu hết các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam đều tăng trưởng. Trong thời gian qua, nhiều loại trái cây Việt Nam đã được thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: nhãn, vải thiều, thanh long, vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều, xoài vào thị trường Australia; thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…Việt Nam tuy chỉ đứng thứ 12 trong các nước xuất khẩu rau quả lớn nhưng đã tăng từ 1-3 bậc so với vài năm trước, đứng trên nhiều nước khác như Pháp, Đức, Philippines, Ấn Độ,... 

Đối với mặt hàng gạo,  XK năm 2017 đạt 5,79 triệu tấn, tăng 20,4% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,62 tỷ USD, tăng 21,2%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 451,9 USD/tấn, tăng 0,7%, tương đương với 3 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016. Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh và Châu Phi, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại và cả sự tăng trưởng ở các khu vực thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.

Thủy sản năm 2017 tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của nhóm hàng nông sản, thủy sản với kim ngạch đạt khoảng 8,32 tỷ USD, tăng 18,0% so với năm 2016 (năm 2016 chỉ tăng trưởng 7,4%) và là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu chung của cả nước. Xuất khẩu thủy sản có sự chuyển dịch cả về cơ cấu sản phẩm (cá ngừ, mực và bạch tuộc tăng mạnh, trong khi tôm và cá tra duy trì mức ổn định) và thị trường (xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mạnh, bù đắp cho xu hướng giảm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, EU).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến như dệt ma; máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại; sắt thép; gỗ...đã có bước tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2017, các sản phẩm dệt may có kim ngạch xuất khẩu đạt 26,04 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2016, xuất khẩu giầy, dép các loại đạt 14,65 tỷ USD, tăng 12,7%. Xuất khẩu xơ sợi đạt mức tăng trưởng cao 22,7% so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD).

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu dệt may sang 180 quốc gia nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào 5 thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm 83% kim ngạch xuất khẩu dệt may). Cả 5 thị trường này luôn duy trì thị phần cao trong kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.

Nhóm mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại. Đây là nhóm mặt hàng duy trì tăng trưởng ổn định từ năm 2011 đến nay, đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu. Năm 2017, nhóm mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu với tổng kim ngạch đạt 71,22 tỷ USD.

Đối với mặt hàng sắt thép các loại và các sản phẩm từ sắt thép. Trong năm 2017, ngành thép vẫn tiếp tục gặp khó khăn trước sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường nhập khẩu chính. Tuy nhiên từ tháng 4 năm 2017, sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng theo từng tháng. Kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép năm 2017 đạt 5,45 tỷ USD, tăng 35,8%.

Triển vọng cho xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2018 vẫn được đánh giá khả quan, khi dự báo sản lượng sản xuất và xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2018 có thể giảm do chính sách bảo vệ môi trường của Chính phủ bằng việc đóng cửa các nhà máy thép quy mô nhỏ, sản xuất thép kém chất lượng khi nhu cầu nội địa vẫn tăng mạnh để phục vụ các dự án xây dựng, giao thông, đô thị. Trong khi đó, nhu cầu thép ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, chiếm 30% tổng thế giới, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2018.

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, nếu như năm 2016, xuất khẩu gỗ tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt xấp xỉ 7 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2017, xuất khẩu gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng cao, đạt 7,66 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016, vượt mục tiêu 7,5 tỷ USD đã đề ra. Tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường chính đều tăng cao hơn so với năm 2016. Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt 3,27 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2016; Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD, tăng 5%; Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại với kim ngạch đạt 1,02 tỷ USD, tăng 4,4%; một số thị trường khác tiếp tục có tăng trưởng khả quan như Hàn Quốc đạt kim ngạch 665 triệu USD, tăng 15,9%; Canada đạt 159 triệu USD, tăng 15,2%.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ thời gian qua tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nước ASEAN trong việc tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ cũng như cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng… Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu có xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các rào cản phi thuế quan, đặc biệt là vấn đề đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp đối với nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.

Để có được kết quả như trên, công tác phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo và rốt ráo vào cuộc. Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Cụ thể, xuất khẩu sang ASEAN tăng 24,2%, đạt 21,68 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 14,8%, đạt 16,8 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỷ USD; xuất khẩu sang Úc và New Zealand tăng 16,5%, đạt 3,58 tỷ USD; xuất khẩu sang Chile tăng 24,1%, đạt 999 triệu USD. Ngoại trừ châu Phi giảm khoảng 3,4%, xuất khẩu sang các châu lục khác đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Năm 2017, có tổng số 764.052 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cấp, trị giá các lô hàng được hưởng ưu đãi xuất xứ là 37,8 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và 24% về trị giá so với năm 2016. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi tại các thị trường có FTA tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 38%, trong đó, nhiều thị trường có tỷ lệ tận dụng cao như Hàn Quốc 51%, Ấn Độ 48%, Chi Lê 69%, Nhật Bản 35%.

Qua số liệu nêu trên có thể thấy, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có chuyển dịch tích cực; xuất khẩu không còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản; tăng tỷ trọng các nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo và nông sản chế biến sâu, giá trị gia tăng ngày càng cao. Thị trường xuất khẩu cũng đa dạng hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào một số thị trường lớn.  

Theo baocongthuong.com.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài