SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sở hữu trí tuệ là công cụ hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho startup

[29/05/2018 14:36]

Đặc điểm chung của các startup ở Việt Nam là khi bắt đầu khởi nghiệp chỉ tập trung vào việc xây dựng ý tưởng, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, dồn toàn bộ tâm trí vào xây dựng thương hiệu, chất lượng mà quên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm.

TS Hà Nguyệt Thu.

Có nhiều người không biết, cũng có người biết nhưng không làm hoặc làm không đúng. Vì thế, có không ít vấn đề phát sinh từ đây. TS Hà Nguyệt Thu - Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (Cục Sở hữu trí tuệ) đã có những chia sẻ với báo Khoa học và Phát triển về vấn đề này.

Quan tâm tới SHTT càng sớm càng tốt

Các startup chưa quan tâm đúng mức đến SHTT là vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thường chỉ khi nào có sản phẩm, có kiện tụng, các bên liên quan đến mới nhắc đến SHTT. Theo bà, đâu là thời điểm thích hợp để startup quan tâm đến vấn đề này?

Với startup, SHTT là vấn đề họ cần quan tâm ngay khi mới bắt đầu nhen nhóm ý tưởng kinh doanh. Các đối tượng của quyền SHTT có thể xuất hiện ở tất cả các giai đoạn của chu trình kinh doanh của startup. Vì vậy, khi bắt đầu hợp tác, họ cần phải ý thức được rằng đối tượng SHTT nào có khả năng sẽ được tạo ra, quyền sở hữu và cách thức bảo vệ.

Bên cạnh đó, SHTT có tác động và gắn kết với chiến lược kinh doanh và chiến lược R&D như: giúp startup tránh nghiên cứu trùng lặp; quyết định chiến lược R&D; thời điểm bộc lộ thông tin; thông tin liên quan SHTT giúp lựa chọn đối tác nghiên cứu; quyết định việc liệu có đăng ký sáng chế hay giữ làm bí mật thương mại...

Giai đoạn đầu khởi nghiệp, startup còn khó khăn, thường họ không để tâm đến những thứ chưa ảnh hưởng tới họ hoặc công việc của họ ngay lập tức. Thực tế cho thấy, khi startup tạo ra 1 sản phẩm và bắt đầu đưa ra thị trường hoặc mang đi gọi vốn đầu tư thì vấn đề SHTT lúc này mới đặt ra. Nhưng lúc này mới quan tâm đến SHTT thì trong nhiều trường hợp là đã muộn. Rất có thể, công nghệ của bạn không còn mới hoặc thậm chí sản phẩm của bạn đã chứa đựng những yếu tố bạn đang xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Lời khuyên của tôi là startup nên quan tâm tới SHTT càng sớm càng tốt. Nếu có thể, hãy quan tâm ngay từ khi bắt đầu triển khai.

Như vậy, hiểu về quyền SHTT không chỉ để bảo vệ mình mà còn để tránh xâm phạm quyền của người khác?

Chính xác là như thế. Lỗi điển hình mà các startup hay gặp phải là chọn tên gọi (nhãn hiệu) thuộc quyền của người khác. Ví dụ khi các bạn trẻ mở 1 quán café thì một trong những việc đầu tiên họ thường làm là lựa chọn một cái tên để xưng danh gọi và giới thiệu cho người khác biết. Nếu họ không có kiến thức về SHTT thì có thể họ sẽ chọn phải một cái tên mà đã thuộc sở hữu của người khác rồi. Sử dụng tên gọi như vậy họ đã vô tình xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của người khác, mất thời gian, chi phí để tạo dựng uy tín cho người khác và cái họ nhận lại là không có gì và thậm chí không may thì họ còn có thể bị dính vào kiện tụng.

Các sản phẩm robot được ưa chuộng trên khắp thế giới của Tosy, một công ty công nghệ Việt Nam. Ảnh: Tosy.

Đối với những startup liên quan đến công nghệ, nếu bạn không tìm hiểu thông tin về quyền SHTT liên quan đến sản phẩm công nghệ do mình tạo ra thì rất có thể sản phẩm hoặc giải pháp kỹ thuật hoặc hình dáng của nó không còn mới hoặc đã thuộc quyền sở hữu của người khác. Khi này, bạn không còn cơ hội để xác lập quyền SHTT cho sản phẩm sáng tạo của mình nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh hoặc thu hút các nhà đầu tư mà thậm chí, chủ sở hữu các đối tượng đó có thể sẽ dùng biện pháp bảo vệ quyền SHTT để chống lại bạn. Khi đó, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc xâm phạm quyền SHTT của người khác. Ngoài ra, các ý tưởng, chiến lược kinh doanh … cũng có thể trở thành một sản phẩm được bảo hộ SHTT theo nhánh bản quyền.

Xác định bảo hộ quyền SHTT hợp lý

Thưa bà, một bạn trẻ có nông trại rau sạch và muốn mở cửa hàng phân phối nông sản. Khi đó, dự án khởi nghiệp này cần phải đăng ký những quyền gì liên quan đến SHTT?

Với startup cung cấp hàng nông sản, bạn ý cần quan tâm trước tiên đến tên gọi của cửa hàng hoặc tên gọi cho các loại nông sản mà mình cung cấp. Các tên gọi này sẽ được bảo hộ quyền SHTT với danh nghĩa là nhãn hiệu. Startup này có thể đăng ký 1 tên chung cho tất cả các loại hàng nông sản hoặc tên cho cửa hàng (cung cấp dịch vụ nông sản hoặc gọi tên cho các sản phẩm cung cấp).

Ngoài ra, khi đưa sản phẩm ra thị trường, các bạn hẳn sẽ phải sử dụng bao bì cho sản phẩm. Tạo ra bao bì bắt mắt, hấp dẫn cũng là một cách để thu hút khách hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Bao bì sản phẩm có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Thêm vào đó, nếu startup đầu tư vào quy trình sản xuất, bảo quản, đóng gói… sản phẩm thì cũng có thể tìm hiểu bảo hộ các quy trình này dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc bí mật kinh doanh (nếu muốn giữ bí mật). Rồi, cách thức kinh doanh khiến khách hàng nhớ đến, yêu thích, muốn quay trở lại cửa hàng để mua sản phẩm cũng có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.

Nói chung cho các doanh nghiệp hay các startup khi bắt tay vào triển khai dự án cần có hiểu biết nhất định về SHTT, xác định được đối tượng SHTT đang sở hữu hoặc sẽ sở hữu trong tương lai. Sau đó, bạn cần cân nhắc sẽ tập trung nguồn lực để bảo hộ cho đối tượng nào, theo cách thức nào. Không phải đối tượng nào bạn cũng bỏ tiền ra để đăng ký bảo hộ. Có nhiều cách cho các bạn lựa chọn để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Startup trong giai đoạn đầu đang khó khăn, nên cân nhắc đối tượng thực sự cần xác lập quyền. Khi đã xác định được phải đi nộp hồ sơ càng sớm càng tốt.

Các đơn vị khởi nghiệp nói riêng và doanh nghiệp nói chung thường có xu hướng chọn tên (nhãn hiệu) gần với sản phẩm họ tạo ra. Tuy nhiên, luật sư lại đưa ra lời khuyên nên chọn những cái tên xa với sản phẩm để bảo đảm sự an toàn. Bà có lời khuyên gì trong trường hợp này?

Nhãn hiệu là dấu hiệu giúp phân biệt các sản phẩm, dịch vụ với nhau. Để thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp thường có xu hướng lựa chọn các tên gọi khiến người ta dễ liên hệ đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà mình cung cấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu xét về khả năng phân biệt của nhãn hiệu thì nhãn hiệu càng không tạo ấn tượng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ thì khả năng phân biệt của nhãn hiệu càng cao, chính vì thế, luật sư khi tư vấn cho khách hàng họ thường khuyên khách hàng lựa chọn các nhãn hiệu loại này.

Ví dụ điển hình có thể thấy nhãn hiệu Apple cho các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại, đồng hồ kỹ thuật số… - hoàn toàn không có gì liên quan đến nhau cả. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu không liên quan đến sản phẩm/dịch vụ được gắn nhãn hiệu thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều thời gian, chi phí hơn cho việc làm thế nào để khách hàng nhận diện, ghi nhớ, yêu thích nhãn hiệu của mình. Nếu chọn một nhãn hiệu tạo liên tưởng đến sản phẩm/dịch vụ chắc chắn điều đó sẽ dễ dàng hơn hẳn.

Như vậy, việc lựa chọn nhãn hiệu thế nào tùy thuộc vào chiến lược của nhà kinh doanh trên cơ sở cân đối nguồn lực kinh tế, cân nhắc các yếu tố pháp lý và căn cứ vào nhu cầu của mình. Việc lựa chọn tên nhãn hiệu đòi hỏi đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu về mặt pháp lý (đạt được sự bảo hộ của Cục SHTT), khách hàng dễ tiếp nhận và người sở hữu phải thấy thích.

Không quan tâm hoặc quá quan tâm?

Theo bà, startup thường mắc phải những sai lầm phổ biến nào về quyền SHTT?

SHTT là công cụ tốt để hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho startup và thời điểm quan tâm thì là càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, sai lầm phổ biến nhất của giới khởi nghiệp đó là không quan tâm hoặc có quan tâm thì chưa đúng hoặc quá mức. Nguyên nhân là do chưa nắm được những vấn đề cơ bản nhất về quyền SHTT.

Người không quan tâm cho rằng xác lập quyền SHTT là không cần thiết. Thực chất, đây là thứ quan trọng và có giá trị tương đối đặc biệt với startup. Một startup sở hữu quyền SHTT đã được bảo hộ chắc chắn sẽ có sức thuyết phục các nhà đầu tư khi gọi vốn, có lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Bên cạnh đó, nhiều startup lại thái quá trong việc xác lập quyền, tức là cái gì cũng bảo hộ. Khi hiểu về quyền SHTT, chủ sở hữu cần sử dụng một cách linh hoạt để hạn chế tốn kém về mặt kinh tế mà vẫn đảm bảo hiệu quả bảo hộ.

Nhiều startup có xu hướng đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài. Mỹ và Singapore là hai đất nước đang được nhiều startup hướng tới. Bà có lời khuyên nào cho các startup này?

Cần lưu ý rằng, quyền SHTT có tính giới hạn lãnh thổ tuyệt đối. Điều này có nghĩa là, quyền SHTT được xác lập tại quốc gia nào thì sẽ có giá trị tại quốc gia đó. Chẳng hạn, nếu bạn đăng ký xác lập quyền SHTT tại Việt Nam thì sẽ chỉ được bảo hộ tại Việt Nam.

Với những đối tượng không hàm chứa tính sáng tạo, mang tính chất chỉ dẫn thương mại như nhãn hiệu, bạn có thể đăng ký bất cứ khi nào có nhu cầu. Với đối tượng có tính sáng tạo như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, để được bảo hộ, đối tượng đó phải đạt yêu cầu tiên quyết là có tính mới trên toàn thế giới (ngoài ra còn yêu cầu về tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp). Vì thế, nếu bạn đã đăng ký bảo hộ ở một nước, mà không để ý đến thời gian thích hợp đăng ký bảo hộ ở các nước khác, rất có thể quyền của bạn chỉ được xác lập ở nước mà bạn đã đăng ký đầu tiên. Khi bạn không còn quyền đăng ký vì không thỏa mãn điều kiện tính mới thì điều đó có nghĩa bạn không thể là chủ sở hữu đối tượng đó, bạn vẫn có thể sử dụng nó và người khác cũng có quyền sử dụng nó như bạn. Do đó, bạn cần phải có chiến lược về SHTT ở các quốc gia mà sản phẩm định hướng đến.

Ngoài ra, lưu ý là khi muốn xác lập quyền SHTT ở nước ngoài, ngoài việc có thể đăng ký trực tiếp ở từng quốc gia, các bạn có thể sử dụng hệ thống đăng ký quốc tế. Cụ thể, bạn có thể sử dụng hệ thống Madrid đăng ký nhãn hiệu, hệ thống PCT để đăng ký sáng chế và hệ thống Lahay (trong tương lai khi Việt Nam là thành viên của hệ thống này) để đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

www.khampha.vn (ntmoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ