SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bể rửa ứng dụng sóng siêu âm

[30/05/2018 10:53]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Hữu Danh, Lương Vinh Quốc Danh, Trần Thanh Quang, Nguyễn thị Trâm, Huỳnh Minh Trí và Trần Hữu Nghi - Bộ môn Điện tử Viễn thông, Khoa Công nghệ thực hiện.

Mô hình bể rửa dùng sóng siêu âm được thiết kế

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bể rửa siêu âm của nhiều hãng khác nhau với kích thước khác nhau, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và chủ yếu sử dụng để làm sạch các vật thể rắn bằng kim loại và thủy tinh, đặc biệt dùng để rửa các chi tiết máy, cơ khí và dụng cụ vật tư y tế, dụng cụ hóa học,.... Giá thành một máy rửa siêu âm dung tích 2 lít đến 13 lít và công suất siêu âm 80W đến 300W có giá dao động từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng tùy theo xuất xứ hàng hóa. Bể rửa siêu âm là một thiết bị sử dụng bộ phát sóng siêu âm tần số cao ghép nối trực tiếp vào loa siêu âm để tạo ra dao động cơ học với tần số siêu âm. Dao động cơ học sẽ làm cho các phân tử chất lỏng chuyển động hỗn loạn liên tục dưới dạng bọt khí, va chạm vào mọi bề mặt và ngóc ngách của vật cần tẩy rửa. Với tần suất tiếp xúc liên tục và lớn dần sẽ làm sạch vật thể cần tẩy rửa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sóng siêu âm có tác dụng tốt đối với vật thể cần tẩy rửa có cấu trúc rắn, chưa có nghiên cứu về ứng dụng dạng bể rửa này cho rửa nông sản, thực phẩm. Mục tiêu nghiên cứu thiết kế bể rửa dùng sóng siêu âm nhằm giải quyết hai vấn đề là sử dụng để rửa thực phẩm, nông sản cụ thể làm sạch được rau, củ, quả không tiếp xúc, không phá hủy với chi phí thấp và có thể làm suy giảm hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mô hình bể rửa thiết kế có dung tích tối thiểu 10 lít, công suất phát sóng siêu âm tối thiểu 200W được điều khiển hoàn toàn tự động. Kết quả thực nghiệm trên một số loại rau và có kiểm chứng của trung tâm kiểm định Phòng thí nghiệm chuyên sâu Trường Đại học Cần Thơ.

Cấu tạo loa phát sóng siêu âm và cách lắp ráp vào bể rửa

Qua thực nghiệm và kiểm nghiệm có thể kết luận rằng với mô hình bể rửa ứng dụng sóng siêu âm thiết kế, bước đầu cho thấy có thể làm giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhất định trong nông sản sau thu hoạch. Thời gian rửa và cường độ phát sóng siêu âm dùng để rửa cho mỗi loại nông sản là khác nhau, nếu thời gian rửa và công suất phát siêu âm không hợp lý sẽ làm hỏng các mô bảo vệ bên ngoài nông sản và gây thẩm thấu ngược dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trở lại nông sản. Do đó, cần thiết phải thực nghiệm và kiểm nghiệm phân tích kết quả trên rất nhiều mẫu nông sản khác nhau với nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng phổ biến khác để tìm ra qui trình chuẩn cho bể rửa. Đây là một sản phẩm có nhiều triển vọng phát triển góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần A(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ