SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học công nghệ làm 'mới' những Di tích cũ

[19/06/2018 16:47]

Huế là một trong những địa phương tiên phong của cả nước về công tác bảo tồn, trùng tu di tích một cách có hệ thống, khoa học, toàn diện và đúng hướng. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản đã được xem trọng và vận dụng một cách thích hợp.

Phối hợp với chuyên gia Đức phục hồi nội thất cung An Định. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Khoa học công nghệ giúp du khách hiểu thêm về Di sản văn hóa Huế

Sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1993), công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Huế từng bước được đẩy mạnh và ngày càng đạt nhiều kết quả cao.

Đánh giá về vai trò của khoa học công nghệ, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ là điều kiện, cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Huế. Từ đó, chúng ta mới có thể nhận diện ngày càng đầy đủ, chính xác giá trị của di sản văn hóa văn hóa Huế, dù là di sản văn hóa vật thể hay di sản văn hóa phi vật thể”.

Theo ông Hải, dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, chúng ta mới có thể lựa chọn được những phương pháp, giải pháp thích hợp và hiệu quả. Qua đó, bảo tồn bền vững các di sản văn hóa và ứng dụng trực tiếp các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, phát huy có hiệu quả nhất giá trị của các di sản văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hợp tác với nhiều tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế để tiến hành hàng chục dự án nghiên cứu khoa học, bảo tồn trùng tu và đào tạo nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản như trùng tu thích nghi Nhà hát Duyệt Thị Đường, xử lý và chống mối Hiển Lâm Các…

Kỹ thuật và công nghệ hiện đại cũng được ứng dụng trong trưng bày bảo tàng, nghiên cứu số hóa bảo tàng, lưu giữ, phục chế hiện vật và số hóa 3D trưng bày hiện vật. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã khai trương Trung tâm Thông tin Diễn giải lịch sử Hoàng thành Huế và trải nghiệm thực tế ảo VR - Đi tìm hoàng cung đã mất (Trung tâm VR) 

Theo ông Phan Thanh Hải, đây là nơi cung cấp thông tin cho du khách khi tham quan Đại nội Huế và trải nghiệm dịch vụ giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo VR theo chủ đề về Hoàng cung Huế xưa. Người dùng có thể xâm nhập vào trò chơi trực tuyến bằng không gian ảo và trải nghiệm dịch vụ tương tác mô phỏng thực tế tại Hoàng cung Huế.

Theo đánh giá của nhiều du khách, ngoài sự mới lạ, dịch vụ này còn hấp dẫn bởi tạo ra một thế giới hiện thực ảo và tái hiện sinh động những công trình di tích trong Hoàng cung, kể cả đã mất. Đây là cơ hội rất tốt để mọi người có thể hiểu thêm về Hoàng cung Huế.

Bảo tồn Di sản một cách bền vững

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ di sản như hệ thống thông tin địa lý, thử nghiệm thiết bị chống rêu… nhằm bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực Di sản.

Phục hồi Sen trong khu di tích. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Ông Hải cho biết, cùng với thời gian, thiên tai và biến cố lịch sử, đặc biệt là chiến tranh đã làm cho cảnh quan các khu vực di tích xuống cấp nặng nề, làm mất rất nhiều cây xanh cổ thụ, cây kiểng quý.

“Do vậy, nhiều dự án, đề tài cấp tỉnh đã được thực hiện. Qua đó, đảm bảo công tác bảo tồn cảnh quan môi trường trong di tích một cách bền vững, giúp bảo tồn hệ thống cây xanh cổ thụ ở các khu vực di tích. Có thể kể đến như đã bảo tồn, lưu giữ giống sen trắng phục vụ tôn tạo cảnh quan cho hồ Thái Dịch - Đại Nội Huế; bảo tồn, tôn tạo vành đai xanh bảo vệ lăng Minh Mạng và lăng Cơ Thánh…”, ông Hải chia sẻ.

Ông Phan Thanh Hải trong một buổi hội thảo về khoa học công nghệ. Ảnh: Nhật Tuấn.

Hầu hết các dự án ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn và khai thác, phát huy các di sản phi vật thể đã được triển khai đều đạt kết quả tốt và được UNESCO đánh giá cao.

Ông Hải cho biết thêm, ứng dụng khoa học công nghệ là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo thực hiện công cuộc bảo tồn di sản một cách bền vững. Sắp tới, Trung tâm sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đến năm 2030; đầu tư trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ bảo tồn di tích, hiện vật bảo tàng…

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ