SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thử nghiệm sản xuất ảo, Microsoft giảm được 80% khả năng rủi ro

[09/07/2018 10:06]

Quy trình sản xuất vi mạch của Microsoft gồm có 32 công đoạn. Trước khi sản xuất thật, người quản lý sẽ mô hình hóa quy trình trên không gian số.

Công nhân giám sát quy trình sản xuất ở một nhà máy tại Khu chế xuất Tân Tạo, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Sau đó, người quản lý có thể dự đoán lỗi có thể phát sinh và tìm cách khắc phục, tối ưu hóa quy trình. Làm như vậy, khi sản xuất thật sẽ hạn chế được khoảng 80% quy trình bị lỗi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đây là quy trình sản xuất vi mạch mà TS Trần Viết Huân, chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số, Microsoft khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAS) tại một hội thảo về chuyển đổi số trong doanh nghiệp tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Mô hình kinh doanh này là xu thế mới của doanh nghiệp hiện nay. Mỗi thiết bị của nhà máy đều có một “người anh em” trên thế giới số.

Hiện nay các nhà máy đang vận hành áp dụng công nghệ IoT (Internet of Things). Có nghĩa là mọi quy trình, các khâu trong quy trình sản xuất đều được gắn cảm biến và người dùng có thể giám sát hoạt động sản xuất trên máy tính. Các thông số của hoạt động sản xuất sẽ luôn luôn được cập nhật trên mạng internet.

Điều đó giúp người điều hành doanh nghiệp có thể so sánh hiệu suất hoạt động của hai nhà máy và tìm ra vấn đề trục trắc và hạn chế của quy trình sản xuất đang ở khâu nào. Từ đó người quản lý có thể tối ưu hóa quá trình sản xuất của mình.

Với các hệ thống cảm biến, người quản lý có thể biết được lỗi của quy trình ở khâu nào. Ở những khâu đầu tiên, nếu xảy ra lỗi thì hoàn toàn có thể được xử lý, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất có thể thử nghiệm ở không gian số trước, đánh giá kết quả rồi mới thay đổi trong môi trường thật.

GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Viện trưởng viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ, chuyển đổi số làm thay đổi văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Các hệ thống quản lý hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông minh được nhờ biết khai thác dữ liệu.

"Phân tích được dữ liệu thì mới biết quy trình sản xuất sai hay đúng"- GS Bảo nhấn mạnh.

Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn

Với những ưu thế của chuyển đổi số trong sản xuất, tuy nhiên sự nhìn nhận của doanh nghiệp còn khá hạn chế. Đứng ở góc độ doanh nghiệp ông Lương Vũ Ngọc Duy, đại diện một doanh nghiệp dệt sợi chia sẻ, khi nói về vấn đề chuyển đổi số cho chủ doanh nghiệp, họ rất e ngại.

Bà Vũ Kim Hạnh (cầm micro), Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp tại tọa đàm. Ảnh: Hà Thế An.

Vấn đề đầu tiên của sự e ngại đó là vấn đề chi phí, nhân lực vận hành và sự ngại tiếp thu cái mới.

“Chủ doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tính hiệu quả của chuyển đổi số. Họ vẫn kiếm tiền được trên nền tảng hiện có, nên rất ngại thay đổi”- ông Duy chia sẻ.

Sau một thời gian thuyết phục chủ doanh nghiệp ông Duy đã thử nghiệm việc số hóa quy trình sản xuât bằng việc gắn sensor (cảm biến) nhiệt độ vào các hệ thống sản xuất.

Việc gắn cảm biến giúp hệ thống nhận diện được máy bị quá tải do sức nóng. Nhờ có sensor đo nhiệt độ mà hệ thóng máy tính nhận diện được máy nào bị nóng và gửi dữ liệu về máy tính nên mới biết vị trí máy hỏng và có biện pháp khắc phục.

“Trước đây khi hệ thống gặp trục trặc, nhân viên thường không biết máy nào và phải đi dò rất khó khăn. Khi được gắn cảm biến, mọi hoạt động của máy được giám sát. Chỉ một vấn đề nhỏ thôi nhưng giúp nhà máy tiết kiệm được nhiều chi phí”- ông Duy nói.

Chia sẻ với vấn đề của doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp ngại chuyển đổi số ngoài vấn đề về chi phí còn là vấn đề về nhân lực vận hành hệ thống công nghệ và vấn đề bảo mật dữ liệu khi vận hành hệ thống.

“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi, công nghệ điện toán đám mây (Cloud) do một bên thứ 3 cung cấp. Điều đó khiến họ e ngại về vấn đề an toàn dữ liệu”- bà Hạnh nói.

Tuy nhiên, TS Trần Viết Huân cho rằng ,các hệ thống máy móc cũ đều có thể gắn được các cảm biến thu thập dữ liệu. Các công cụ quản lý cũng đã có cho doanh nghiệp vận hành và quản lý quy trình sản xuất. Và cũng có nhiều công cụ có thể giúp doanh nghiệp số hóa dữ liệu trên nền tảng đang có, các hệ thống máy móc cũ kỹ…

“Chuyển đổi số trong sản xuất cần có bước đi đầu tiên, làm những vấn đề nhỏ trước rồi xác định tính hiệu quả để làm những bước cao hơn. Tôi cho rằng với sự “dân chủ hóa” trong công nghệ hiện nay doanh nghiệp có thể làm chuyển đổi số mà không tốn quá nhiều chi phí”- TS Huân chia sẻ.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài