SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuất khẩu tôm sang Úc gặp rào cản mới, tìm cơ hội từ Trung Quốc

[10/07/2018 09:54]

Xuất khẩu tôm sang Úc gặp rào cản mới, tìm cơ hội từ Trung Quốc

Xuất khẩu tôm đang gặp một số rào cản mới. Ảnh: T.L

Thêm bước xử lý nhiệt cho tôm

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, Bộ Bộ Nông nghiệp Australia vừa ra thông báo cập nhật việc kiểm tra đối với mặt hàng tôm nấu chín nhập khẩu vào thị trường này. Việc kiểm tra này của Bộ Nông nghiệp Australia nhằm đảm bảo chắc chắn rằng các điều kiện nhập khẩu hiện tại đối với mặt hàng tôm nấu chín đã được đáp ứng.

Tuy nhiên, do quá trình nấu nên tất cả protein trong thịt tôm bị đông lại và không còn là thịt sống, bởi vậy, tất cả các lô hàng phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với điều kiện nêu trên.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Australia áp dụng việc kiểm tra này. Trước đó, lệnh cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam từ ngày 9.1.2017 của Australia đã khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này giảm mạnh.

Tổng XK tôm 6 tháng đầu năm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm chân trắng vẫn duy trì tăng mạnh 18% với kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong khi XK tôm sú giảm gần 7% đạt 382 triệu USD.

Sau đó, lệnh cấm hết hiệu lực từ ngày 6.7.2017 nhưng phía Australia lại áp dụng các điều kiện nhập khẩu chặt chẽ hơn.

Và với quyết định từ ngày 28.9.2018, các mặt hàng tôm tẩm bột khi nhập khẩu vào Australia sẽ phải trải qua một bước xử lý bằng nhiệt ngắn trong quá trình chế biến để đảm bảo các lớp bột trở thành dạng rắn bám chặt vào tôm trong điều kiện đông lạnh hoặc tan giá cho thấy, các điều kiện nhập khẩu ngày càng được siết chặt.

Theo quy định này, nếu cơ quan có thẩm quyền ở nước XK không thể chứng minh được mặt hàng tôm tẩm bột đã trải qua bước xử lý nhiệt thì các mặt hàng này sẽ phải chịu sự kiểm tra các điều kiện nhập khẩu như đối với các mặt hàng tôm chưa nấu chín đó là sẽ phải yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm trước khi hàng hóa được XK và khi hàng hóa nhập cảng vào Australia theo các phương pháp được công nhận bởi Tổ chức Thú ý Thế giới (OIE).

Việc kiểm tra giám sát dấu niêm phong sẽ áp dụng đối với các thùng chứa hàng tôm nấu chín, bao gồm cả các thùng chứa hàng hỗn hợp. Khi kiểm tra, cần điền thông tin đầy đủ vào mẫu yêu cầu kiểm tra và gửi đến cơ quan có thẩm quyền tại nơi hàng hóa được giữ.

Những đối tượng liên quan đến an toàn sinh học và các nhà nhập khẩu phải đảm bảo rằng tất cả các lô hàng tôm nấu chín được yêu cầu kiểm tra vẫn phải còn nguyên dấu niêm phong cho đến khi nhân viên phụ trách về kiểm tra an toàn sinh học đồng ý tháo niêm phong và mở lô hàng.

Bộ Nông nghiệp Australia sẽ thực hiện kiểm tra an toàn sinh học và kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu cùng lúc nếu đủ điền kiện. Nếu hai việc kiểm tra này không thể thực hiện cùng lúc, các nhà nhập khẩu có thể phải thực hiện từng cuộc hẹn riêng.

Với các quy định mới này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đặc biệt lưu ý vì có thể gây ra sự chậm trễ trong việc giải phóng hàng hóa.

Không chỉ gặp rào cản mới từ thị trường Australia, con tôm còn đang tạm thời bị cấm xuất khẩu sang Kuwait.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), ngày 5.6.2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait có Công điện số 071/ĐSQ thông báo về việc Bộ Công Thương Kuwait ban hành quyết định tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam do xuất hiện virus bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm.

Mặc dù tỷ trọng XK thủy sản của Việt Nam sang Kuwait (bao gồm cả tôm các loại) chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng XK toàn ngành, tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam thời gian qua liên tục đối mặt với truyền thông bất lợi về chất lượng thủy sản XK thì động thái nêu trên của Kuwait cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu tôm có thể thuận lợi ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: IT.

Những tháng đầu năm 2018, giá tôm trên thị trường thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng đã ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu và giá trị XK tôm Việt Nam những tháng qua. Theo đó, XK tôm trong tháng 5.2018 giảm gần 10% so với cùng kỳ, XK trong tháng 6 tiếp tục giảm nhẹ 0,7%, đạt 284 triệu USD.

Dù vậy, tổng XK tôm 6 tháng đầu năm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm chân trắng vẫn duy trì tăng mạnh 18% với kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong khi XK tôm sú giảm gần 7% đạt 382 triệu USD.

Dự báo XK tôm sẽ hồi phục trong tháng 7 và những tháng tiếp theo vì nhu cầu trên thị trường đang tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng có xu hướng tăng, nông dân sẽ lại an tâm đầu tư nuôi tôm.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc khi từ ngày 1.7.2018 Trung Quốc sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiện, nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày một cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị... Trong thời gian tới, nhiều dự báo XK tôm, cá tra sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để đẩy mạnh XK sang Trung Quốc trong bối cảnh một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU đang gặp khó do những rào cản thương mại.

Xem tin gốc tại đây: http://danviet.vn/nha-nong/xuat-khau-tom-sang-uc-gap-rao-can-moi-tim-co-hoi-tu-trung-quoc-893096.html

www.danviet.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ