SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các loại thức ăn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng Ba khía (Sesarma sederi) ương trong hệ thống nước xanh và nước trong

[11/07/2018 16:05]

Nghiên cứu do các tác giả: Châu Tài Tảo và Trần Ngọc Hải - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ba khía mẹ mang trứng

Ba khía là đối tượng rất triển vọng để nuôi ở rừng ngập mặn, vùng bãi bồi ven biển, là nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao vì chế biến được nhiều món ăn ngon đặc trưng của vùng đất Tây Nam Bộ. Hiện nay, ba khía đang được khai thác quá mức ở các vùng ven biển Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh... và có nguy cơ cạn kiệt trong thời gian sắp tới. Theo cơ sở thu mua ba khía ở tỉnh Trà Vinh, hiện nay lượng ba khía giảm nhiều so với 7 - 8 năm trước, sản lượng cơ sở thu gom một ngày nhiều nhất là khoảng 20 - 30% sản lượng so với trước đây (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2014). Hiện nay, mô hình thí điểm nuôi ba khía triển khai tại ấp Giồng Kè xã Bình Giang, huyện Hòn Đất với diện tích trên 1.100 ha đất rừng phòng hộ, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho người dân (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, 2014). Từ đó, mô hình nuôi ba khía được nhân rộng nhiều nơi thuộc tỉnh Kiên Giang, nguồn giống thả nuôi chủ yếu là khai thác tự nhiên, khi thả nuôi còn hao hụt nhiều do đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Trong khi đó, cho đến nay đã có các nghiên cứu bước đầu xác định được độ mặn thích hợp cho ương ấu trùng ba khía là 20 ‰ (Trần Ngọc Hải và Châu Tài Tảo, 2017), nghiên cứu xác định được mật độ ương tốt nhất cho ấu trùng ba khía từ Zoea-1 đến Zoea-4 là 300 con/L, từ Zoea-4 đến ba khía 1 là 100 con/L (Nguyễn Nghi Lễ và Châu Tài Tảo, 2016). Vì thế, việc nghiên cứu tìm ra loại thức ăn phù hợp cho từng giai đoạn của ấu trùng ba khía là rất cần thiết, làm cơ sở để xây dựng qui trình sản xuất giống ba khía cung cấp cho nghề nuôi phát triển trong thời gian tới ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. 

Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức, thí nghiệm 1 ương ấu trùng ba khía từ Zoea-1 đến Zoea-4 với các loại thức ăn A (Artemia bung dù + Frippak-150/Zoea1đến Zoea-2 và Artemia nở + Frippak-150/Zoea-3 đến Zoea-4), thức ăn B (Luân trùng/Zoea-1 đến Zoea-2 và Artemia nở /Zoea-3-Zoea-4) và thức ăn C (Luân trùng + Artemia bung dù/Zoea-1 đến Zoea-2 và Artemia nở + Frippak-150/Zoea-3 đến Zoea-4). Thí nghiệm 2 là ương ấu trùng ba khía từ Zoea-4 đến ba khía-1 với các loại thức ăn D (Artemia nở + Frippak-150/Zoea-4 đến Ba khía-1), thức ăn E (Artemia nở /Zoea-4 đến Ba khía-1) và thức ăn F (Artemia nở + Lansy-PL/Zoea-4 đến Ba khía-1) trong hệ thống nước xanh và nước trong. Kết quả cho thấy ương trong hệ thống nước xanh hay nước trong không ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng ba khía. Ương ấu trùng ba khía từ Zoea-1 đến Zoea-4 với loại thức ăn C và ương từ Zoea-4 đến ba khía-1 với loại thức ăn D cho tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất ở ba khía-1 tốt nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức còn lại.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ