SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của mặn đến khả năng nảy mầm, sinh trưởng và năng suất của hai giống lạc L14 và L27

[13/07/2018 16:53]

Nghiên cứu do các tác giả: Vũ Ngọc Thắng, Nguyễn Ngọc Lãm, Trần Anh Tuấn và Lê Thị Tuyết Châm - Phòng Nghiên cứu Cây trồng chống chịu, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Ngọc Quất - Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm đậu đỗ, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Mặn là một trong những yếu tố phi sinh học quan trọng ảnh hưởng đến sinh trưởng, sinh lý và hạn chế năng suất cây trồng (Taufiq et al., 2016). Mặn ảnh hưởng đến hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây (Nawaz et al., 2010). Đồng thời, mặn làm giảm sinh trưởng, thay đổi hình thái và cấu trúc của cây (Cakmak, 2005). Đặc biệt, mặn gây trì hoãn quá trình nảy mầm, làm giảm rõ rệt tỷ lệ mọc mầm, chiều dài rễ, chiều dài mầm (Khajeh et al., 2003; Nayer and Reza, 2008). Các chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao thân chính, số lá/cây, số cành/cây và khối lượng chất khô tích lũy cũng giảm rõ rệt khi tăng nồng độ gây mặn (Mensah et al., 2006). Nguyên nhân dẫn đến gây độc cho cây trồng trong điều kiện mặn là do nồng độ Na+ và Cl- trong thân lá tăng cao (Dogar et al., 2012), trong khi đó sự hấp thụ các ion K+, NO3-, and H2PO4- lại giảm đi (White and Broadley, 2001; Tester and Davenport, 2003). Bên cạnh đó, mặn còn ảnh hưởng đến sự cân bằng dinh dưỡng trong cây (Rogers et al., 2003; Hu and Schmidhalter 2005). 

Những năm gần đây, vấn đề đô thị hóa và sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp nước ta đặc biệt là sự xâm nhiễm mặn. Để hạn chế ảnh hưởng mặn tới năng suất cây trồng nói chung và cây lạc nói riêng, ngoài các biện pháp tưới tiêu hợp lý cần sử dụng các giống có khả năng chịu mặn cao. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng chịu mặn của hai giống lạc L14 và L27 đang được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung thông qua một số chỉ tiêu về khả năng nảy mầm, sinh trưởng và một số chỉ tiêu sinh lý.

Kết quả thí nghiệm cho thấy khi tăng độ mặn đã làm giảm tỷ lệ nảy mầm, chiều dài mầm, rễ mầm, khối lượng tươi của cây mầm và rễ mầm. Bên cạnh đó, khi tăng độ mặn đã làm giảm chiều cao thân chính, diện tích lá, khả năng tích lũy chất khô, khả năng hình thành nốt sần. Ngoài ra, gây mặn còn làm giảm chỉ số SPAD, hiệu suất huỳnh quang diệp lục, năng suất và yếu tố cấu thành năng suất. Đặc biệt, độ thiếu hụt bão hòa nước, độ rò rỉ ion có xu hướng tăng cao khi tăng độ mặn trên cả 2 giống lạc tham gia thí nghiệm.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ