SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát hiện vi khuẩn Aeromonas schubertii gây đốm trắng ở nội quan cá lóc (Channa striata) bằng phương pháp PCR

[18/07/2018 16:03]

Phát hiện vi khuẩn Aeromonas schubertii gây đốm trắng ở nội quan cá lóc (Channa striata) bằng phương pháp PCR

Ảnh: sưu tầm.

Cá lóc (Channa striata) là đối tượng thủy sản đang được nuôi phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như An Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh với nhiều hình thức nuôi (như nuôi trong ao đất, nuôi trong giai, nuôi trong bể lót bạt…) và có thể nuôi với qui mô nhỏ hoặc nuôi thâm canh (Lê Xuân Sinh và Đỗ Minh Chung, 2010). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích nuôi, đa dạng hóa các mô hình nuôi và sự thâm canh hóa của nghề nuôi cá lóc thì bệnh trên cá lóc xuất hiện ngày càng nhiều và gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi cá lóc. Các bệnh thường gặp ở cá lóc được ghi nhận là bệnh do kí sinh trùng, bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila và bệnh lở loét do nấm (Phạm Minh Đức và ctv., 2012; Phạm Minh Đức và Trần Ngọc Tuấn, 2012).

Gần đây, cá lóc nuôi ở một số tỉnh như An Giang và Đồng Tháp bị bệnh với dấu hiệu bệnh lý là các đốm trắng trên các nội quan (gan, thận và lá lách) giống như các đốm trắng trên các nội quan do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra ở cá tra (Pangasianodon hypopthalmus) (Tu Thanh Dung et al., 2008).  Đặng Thị Hoàng Oanh và Nguyễn Trọng Nghĩa (2016) xác định tác nhân gây bệnh đốm trắng trên các nội quan trên cá lóc thu ở các ao nuôi thuộc tỉnh An Giang và Đồng Tháp là vi khuẩn Aeromonas shubertii. 

Chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh để có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả là vấn đề rất cần được nghiên cứu và ứng dụng. Phương pháp phát hiện vi khuẩn giống Aeromonas ở cá được sử dụng phổ biến hiện nay là phương pháp sinh hóa truyền thống hoặc sử dụng bộ kít API 20E (BioMerieux). Cả 2 phương pháp này cần có thời gian (thường từ 3-4 ngày) để phân lập, nuôi cấy và định danh nên không đáp ứng được cho yêu cầu chẩn đoán bệnh do A. shubertii gây ra ở cá lóc. Phương pháp PCR hiện đang được sử dụng phổ biến hiện để phát hiện sớm các mầm bệnh vi khuẩn ở thủy sản do có độ nhạy và tính đặc hiệu cao (Lê Hữu Thôi và ctv., 2010; Trần Nguyễn Diễm Tú, 2011; Trần Thị Tuyết Hoa và ctv., 2014). Nghiên cứu ứng dụng qui trình PCR để phát hiện vi khuẩn A. shubertii gây bệnh ở cá lóc nhằm giúp chẩn đoán nhanh và đặc hiệu mầm bệnh, giảm chi phí phân tích, hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả cho nghề nuôi cá lóc.

Quy trình PCR phát hiện vi khuẩn Aeromonas schubertii gây bệnh đốm trắng nội quan trên cá lóc được thực hiện và chuẩn hóa. Cặp mồi Schubertii-16S- (UF-2) F và Schubertii-16S- (UF-2) R (Demarta et al., 1999) được sử dụng để khuếch đại gen 16s rDNA cho vi khuẩn A. schubertii với kích thước sản phẩm PCR là 322 bp được thực hiện nhằm rút ngắn thời gian và phát hiện chính xác tác nhân gây bệnh. Quy trình PCR được chuẩn hóa có thành phần phản ứng là 1 mM MgCl2, 1U Taq DNA polymerase và 0,2 mM dNTPs, 0,25 µM mồi Schubertii-16S- (UF-2) F và 0,25 µM Schubertii-16S- (UF-2) R. Độ nhạy của qui trình PCR là 30ng DNA /phản ứng. Tính đặc hiệu của cặp mồi được xác định là chỉ phát hiện A. schubertii mà không phát hiện được một số loài vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản như: Streptococcus agalactiae, Aeromonas hydrophila, Vibrio parahaemolyticus, Edwardsiella ictaluri và Flavobactertium columnare.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 53, Phần B(2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ