SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cơ hội từ các thị trường truyền thống

[26/07/2018 17:10]

Xuất khẩu (XK) gạo đã đạt được nhiều thành tích trong nửa đầu năm 2018. Dự kiến những tháng cuối năm, mặt hàng này tiếp tục gặp thuận lợi khi các thị trường truyền thống tăng nhập khẩu.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Kim ngạch tăng cao

Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK gạo đã khởi sắc trở lại, đạt 3,6 triệu tấn và 1,83 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 44,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Tháng 6/2018, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo XK cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.

Giá gạo XK của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm được nâng lên (hiện đã chiếm trên 80% tổng lượng gạo XK).

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất trong những tháng đầu năm, chiếm 26% trong tổng lượng và tổng kim ngạch XK gạo của cả nước, đạt 891.688 tấn, tương đương 474,84 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch XK gạo sang thị trường này giảm 27,6% về lượng và giảm 14,8% về kim ngạch. Giá XK gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc 6 tháng qua đạt bình quân 532,5 USD/tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng Indonesia - thị trường lớn thứ 2 tăng đột biến gấp 45 lần về lượng và gấp 60 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 685.908 tấn, tương đương 322,01 triệu USD, giá XK tăng tương đối mạnh 33,7%, đạt bình quân 469,5 USD/tấn. Các thị trường khác có giá trị XK gạo tăng mạnh là Iraq, Malaysia, Mỹ, Hồng Kông, Philippines, Gana…

Nhiều cơ hội

Theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, gạo Việt Nam vẫn có cơ hội tăng kim ngạch XK nhờ nhu cầu gia tăng của các thị trường truyền thống. Cụ thể, từ quý IV/2018 đến quý I/2019, nhu cầu về gạo sẽ gia tăng từ thị trường Philippines khi quốc gia này có nhu cầu mở thầu nhập khẩu gạo theo chương trình tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV) 2018 với 805.200 tấn. Nếu quốc gia này mở thầu gạo, cơ hội tăng XK cho gạo Việt Nam là rất lớn vì Philippines là một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhu cầu mua gạo từ thị trường Indonesia và Malaysia dự kiến vẫn ổn định. Thị trường Bangladesh cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo. Thị trường châu Phi vẫn có nhu cầu lớn và thường xuyên… Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, những tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến hàng hóa XK của nước ta, trong đó có mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng, như việc Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại; Indonesia, Ấn Độ sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước... Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động này.

Do vậy, giải pháp tốt để tìm lối ra trong thời gian tới là tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng gạo XK thông qua việc tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm. Đồng thời tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết để đa dạng hóa thị trường, gia tăng kim ngạch XK.

Dự báo năm 2018, kim ngạch XK gạo sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn. Trong đó, XK sang Trung Quốc khoảng 2,7 triệu tấn, Philippines 800.000 tấn, Indonesia 800.000 tấn, Malaysia 500.000 tấn, Iraq 200.000 tấn, châu Phi 1 triệu tấn… Cơ cấu XK chủ yếu là gạo chất lượng tốt; gạo thường không quá 20%.

 

Theo congthuong.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ