SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và nhận diện các dòng vi khuẩn chịu mặn có khả năng cố định đạm và tổng hợp IAA từ đất sản xuất lúa – tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang

[22/08/2018 16:39]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Anh Huy - NCS ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ và Nguyễn Hữu Hiệp - Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu thì xâm nhập mặn là một trong những vấn đề cấp thiết của ngành nông nghiệp vì nó tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng nông sản.

Trong khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do nhiễm mặn thì ngược lại dân số thế giới ngày càng tăng, theo dự báo sản xuất lương thực trên toàn thế phải cần tăng tới 38% vào năm 2025 và lên đến 57% vào năm 2050 (Abrol, 2004). Vi khuẩn vùng rễ kích thích sinh trưởng và phát triển ở thực vật có vai trò quan trọng trong nông nghiệp cả về số lượng, chất lượng và tính thân thiện với môi trường. Về số lượng, phân đạm sinh học được cố định bởi vi khuẩn chiếm tới 70% tổng lượng đạm trên toàn trái đất (Peter et al., 2002). Về chất lượng, đạm sinh học không gây hiện tượng dư đạm ở cây trồng, ngăn ngừa tích lũy nitrate, giảm ô nhiễm nguồn nước (Yang et al., 2008). Ngoài ra, vi khuẩn vùng rễ còn có tác dụng giúp tăng sự hấp thu dưỡng chất từ đất, điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với thực vật trong điều kiện nhiễm mặn bởi vì đất nhiễm mặn là trở ngại hàng đầu trong việc hấp thu dinh dưỡng của thực vật. Vì thế, việc phân lập các dòng vi khuẩn bản địa chịu mặn có khả năng cố định đạm và tổng hợp  idole acetic acid có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát triển ở cây lúa có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp trong điều kiện xâm nhập mặn. 

Việc sử dụng phân bón vi sinh đang được quan tâm vì phân bón vi sinh không những giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng nông sản mà còn thân thiện với môi trường, đặc biệt là trong điều kiện hạn mặn. Trong nghiên cứu này, 116 dòng vi khuẩn chịu mặn được phân lập trên môi trường Burk có bổ sung muối 10‰. Tất cả 116 dòng vi khuẩn đều có khả năng tổng hợp ammonium ( ) và tổng hợp indole acetic acid (IAA). Trong đó, 2 dòng PL2 và PL9 vừa có khả năng cố định đạm vừa có khả năng tổng hợp IAA cao: PL2 tổng hợp  đạt 3,73 µg/mL, IAA đạt 45,31 µg/mL; dòng PL9 tổng hợp  đạt 2,71 µg/mL, IAA đạt 46,46 µg/mL. Hai dòng vi khuẩn được nhận diện bằng phương pháp so sánh trình tự vùng gen 16S rDNA, kết quả dòng PL2 được xác định tương đồng dòng Bacillus megaterium và dòng PL9 được xác định tương đồng dòng Bukholderia cenocepacia.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần B(2018)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ