SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả của chế phẩm Burkholderia vietnamiensis BV3 trên giống lúa OM6976 trong điều kiện đất phèn ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

[24/08/2018 17:10]

Nghiên cứu do các tác giả: Phạm Thị Thủy - Học viên cao học Sinh thái học K22, Trường Đại học Cần Thơ và Ngô Thanh Phong - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ruộng lúa với các nghiệm thức thí nghiệm ở Hòn Đất – Kiên Giang

Lúa là cây lương thực hàng đầu ở Việt Nam vì gạo chiếm tỉ lệ cao trong khẩu phần ăn hàng ngày và là nguồn lương thực xuất khẩu chủ yếu của nước ta (Đinh Thế Lộc, 2006). Để đảm bảo được nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu thì cần phải tăng sản lượng lúa gạo trong khi diện tích đất trồng lúa không tăng. Do đó, hướng thâm canh và tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu nên làm gia tăng việc sử dụng các loại phân bón nhất là phân đạm hóa học (Lương Đức Phẩm, 2015). Theo Võ Minh Kha (2003), đạm là một dưỡng chất thiết yếu cấu thành năng suất nhưng chỉ có khoảng 50-60% lượng đạm bón vào trong đất được cây lúa hấp thu, số còn lại sẽ lưu tồn trong đất, bị trực di hay bị rửa trôi dẫn đến sự nhiễm nitrate cho đất và nước hoặc dư lượng nitrate tồn lưu trong nông sản, đây là mối hiểm họa tiềm tàng lâu dài và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm như hiện nay (Huỳnh Thu Hòa, 2010). Ngoài ra để sản xuất phân đạm cần tiêu thụ một lượng lớn khí tự nhiên, than đá hoặc dầu mỏ là những nguồn năng lượng không phục hồi và khi sử dụng chúng sẽ tạo ra một lượng lớn khí CO2 là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính… (Stoltzfus et al., 1997). Như vậy, bón phân đạm hóa học vừa tốn kém vừa góp phần gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, lượng N2 trong không khí chiếm đến 78% mà cây không sử dụng được (Osmar et al., 2004). Vì vậy, để khắc phục những bất lợi của việc sử dụng quá mức phân đạm hóa học trong canh tác lúa đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng vi khuẩn cố định đạm để sản xuất phân đạm sinh học nhằm làm tăng năng suất lúa nhưng vẫn đảm bảo nông sản sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Ngoài ra phân đạm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề về giá cả đang ngày một tăng cao của phân đạm hóa học và là giải pháp để giảm chi phí cho mỗi mùa vụ (Cao Ngọc Điệp và ctv., 2007).

Vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis được phát hiện sống trong rễ lúa trồng ở Việt Nam vào năm 1995 (Gillis et al., 1995). Đến năm 2000, Burkholderia vietnamiensis đã được xác định là loài vi khuẩn có khả năng cố định đạm giúp tăng năng suất lúa (Van et al., 2000). Các chủng Burkholderia vietnamiensis được phân lập từ vùng rễ lúa ở Kiên Giang có mức độ biểu hiện hoạt tính của nitrogenase qua phản ứng khử acetylene cao (0,226-0,238 mM) (Ngô Thanh Phong et al., 2010). Theo Trần Nguyễn Diệu Hiền (2011) dòng vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis BV3 có thể cung cấp 25-75% lượng đạm sinh học cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa cao sản OM6976 trồng trong chậu và cung cấp 50% đạm sinh học cho cây lúa cao sản OM6976 trồng trên đất phèn ở nông trường Sông Hậu huyện Cờ Ðỏ, thành phố Cần Thơ (Ngô Thanh Phong, 2012).

Đề tài này được thực hiện nhằm đánh giá mức độ thay thế đạm hóa học của chế phẩm sinh học từ dòng vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis BV3 sau 3 tháng tồn trữ ảnh hưởng lên các chỉ tiêu nông học, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất lúa OM6976 trồng ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Thí nghiệm ngoài đồng được thực hiện để đánh giá hiệu quả cố định đạm của chế phẩm sinh học từ dòng vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis BV3 (sau 3 tháng tồn trữ) trên giống lúa OM6976 trồng trên đất phèn ở huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang trong vụ Hè Thu 2016. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy chế phẩm sinh học có thể tiết kiệm 50% đạm hóa học tương đương cung cấp được 50% đạm sinh học cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa trồng ngoài đồng.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài