SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá sự biến động chất lượng nước ở Búng Bình Thiên, tỉnh An Giang

[28/08/2018 16:59]

Nghiên cứu do các tác giả: Đặng Văn Tý, Chau Thi Đa - Khoa Nông nghiệp-Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học An Giang; Nguyễn Hoàng Huy, Vũ Ngọc Út và Trần Văn Việt - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Búng Bình Thiên (BBT) là hệ sinh thái nước ngọt tự nhiên tọa lạc vùng thượng nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang được hình thành từ một đoạn sông nơi tiếp nối sông Bình Di với sông Hậu, do quá trình bồi lấp theo thời gian ở cả hai đầu nối với hai sông tạo thành một hồ chứa nước ngọt gọi là BBT. Ngoài bồi lấp của tự nhiên cộng thêm tác động của con người, hiện nay búng chỉ còn nhận nước từ sông Bình Di (phần đầu búng), phía tiếp giáp sông Hậu (phần cuối búng) đã bị bồi lấp hoàn toàn (Hình 1). Diện tích mặt nước của búng mùa khô là 200 ha và 800 ha vào mùa lũ (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, 2012), và chất lượng nước nơi đây bị ảnh hưởng trực tiếp của sông Mekong, mức nước nơi đây có sự khác biệt giữa các tháng mùa mưa và mùa khô, khả năng trao đổi nước của BBT bị giới hạn do búng rộng nhưng miệng búng hẹp. Trong thực tế BBT chưa từng cạn nước vào mùa khô cho dù xung quanh nhiều nơi khô hạn, vì vậy đây là nơi sinh sống cư trú của nhiều loài thủy sản vào mùa khô. Vào mùa mưa, lưu lượng nước trên thượng nguồn đổ về BBT trở thành khu vực ngập nước lớn, các loài cá nước ngọt từ thượng nguồn xuôi theo dòng về sinh sống. Khu vực này thuận lợi cho việc thiết lập khu lưu trữ, bảo tồn các giống loài thủy sản, khu vực BBT đã xác định có 124 loài thực vật nổi, 61 loài động vật nổi, 18 loài động vật không xương sống cỡ lớn, 111 loài cá, trong đó có 6 loài quý hiếm và trong sách đỏ Việt Nam như: cá thát lát (Notopterus notopterus), cá hô (Catlocarpio siamensis), cá duồng (Cirrhinus microlepis), cá tra dầu (Pangasianodon gigas), cá mang rỗ (Toxotes chatareus) (Thái Ngọc Trí và ctv., 2012).

Trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong búng ngày càng suy giảm do nhiều nguyên nhân như: quá trình bồi lấp tự nhiên, khai thác thủy sản quá mức của cộng đồng dân cư trong vùng (Lương Thanh Nhựt Linh và Phạm Quốc Hùng, 2015), theo cư dân trong vùng thì ô nhiễm ngày càng trầm trọng, các loại chất thải từ các hoạt động trong khu vực được thải trực tiếp vào búng. Sinh kế của cư dân sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản thời gian gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng do có hiện tượng cá chết hàng loạt khi gió mùa Đông Bắc thổi về và nước bốc mùa hôi khó chịu không rõ nguyên nhân. 

Trước đây, rong bún (Enteromorpha sp.) là loài chiếm đa số ở BBT, nhưng rong bị giảm mạnh do khai thác quá mức. Từ khi rong giảm, việc nuôi cá lồng bè ngày càng kém hiệu quả, do người nuôi phải sử dụng nhiều thức ăn bổ sung, vừa tốn kém và ô nhiễm nguồn nước. Do sinh kế từ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nên người nuôi cá tăng cường khai thác nguồn lợi làm cho nguồn lợi và sinh thái vùng này có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, việc nghiên cứu chất lượng nước trong khu vực BBT là cần thiết nhằm theo dõi chất lượng nước, tìm giải pháp cho việc cải thiện chất lượng nước giúp cho nghề nuôi cá lồng bè ở BBT phát triển và bảo tồn tính đa dạng sinh học trong khu vực được tốt hơn.  Nghiên cứu bao gồm đánh giá sự biến động chất lượng nước, và xác định biên độ dao động mức nước theo thời gian và không gian làm cơ sở cho việc khai thác hiệu quả vùng này theo hướng bền vững.

Nghiên cứu đã được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016 thông qua 12 đợt thu mẫu (theo nhịp thu mẫu 30 ngày/lần) bao gồm các chỉ tiêu: nhiệt độ, độ sâu, pH, TSS, N-NO2-, DO, COD, BOD, TAN, P-PO43- và coliform, việc thu mẫu đã thực hiện ở các khu vực đầu búng, giữa búng và cuối búng, mỗi vị trí thu ở 2 tầng nước (tầng mặt cách mặt nước 50 cm và tầng đáy cách mặt đáy búng 50 cm). Kết quả thấy rằng chất lượng nước trong BBT có sự biến động theo thời gian và không gian, các chỉ tiêu nghiên cứu đều nằm trong mức cho phép ngoại trừ COD trong mùa khô và vượt mức cho phép tiêu chuẩn chất lượng nước mặt khi so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A1), chỉ có COD vượt mức ở các tháng mùa khô. Ngoài ra, coliform xuất hiện trong BBT mùa khô nhiều hơn mùa mưa mặc dù ở mức cho phép nhưng chứng tỏ hiện nay BBT đang tiếp nhận nguồn nước thải từ hoạt động của cộng đồng xung quanh.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài