SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ từ trường biến nước ô nhiễm thành nước tinh khiết, tốt cho sức khỏe

[29/08/2018 14:32]

Hệ thống của CASTA dựa trên vật liệu lọc và ứng dụng công nghệ từ trường, giúp xử lý nước kém chất lượng thành nước có độ tinh khiết cao, chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe con người.

Hệ thống xử lý nước do CASTA nghiên cứu, chế tạo.

Hiện nay, công nghệ xử lý nước của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các kỹ thuật keo tụ và kết bông, làm thoáng nước, lọc nhanh, lọc chậm, hấp phụ bằng than hoạt tính, màng lọc… tùy theo nguồn nước cần xử lý và chất lượng nước.

Ông Hồ Quốc Hùng, Phòng Ứng dụng của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ (CASTA), cho biết công nghệ từ trường, điện hóa và oxy hóa sâu ứng dụng vào xử lý nước còn ít tại Việt Nam. Các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt thường sử dụng công nghệ truyền thống là keo tụ và tạo bông đối với nước mặt, làm thoáng đối với nước ngầm, sau đó qua hệ thống lọc nhanh, tiệt trùng bằng clo và cấp nước cho người sử dụng. Mặc dù các trạm xử lý có thể xử lý nước đạt tiêu chuẩn cấp nước đầu ra.

Tuy nhiên, do chất lượng nước cũng như chất lượng đường ống dẫn nước ngày càng xuống cấp, nên nguồn nước khi đến tay người sử dụng có thể không đảm bảo chất lượng. Do đó, các gia đình nên sử dụng thêm các thiết bị lọc nước nhằm đảm bảo chất lượng nước sử dụng đạt tiêu chuẩn.

Hệ thống xử lý nước do CASTA nghiên cứu sử dụng công nghệ từ trường, lọc nước Aluwat và lọc thẩm thấu (RO). Đầu tiên, nước được đi qua bể lọc có hệ thống “từ trường tĩnh” giúp ion hóa nguồn nước. Hệ thống này vừa làm giảm độ nhớt của nguồn nước sinh hoạt, vừa chuyển đổi cấu trúc phân tử của nước thành các cụm nhỏ hơn (còn gọi là làm tơi nước). Do được chuyển đổi cấu trúc phân tử của nước thành các cụm nhỏ hơn nên tăng cường được tính sinh học có sẵn trong nước và thúc đẩy các chức năng sinh học phức tạp khác có trong cơ thể của người, động vật và thực vật.

Sau đó, nước được đi qua bộ lọc có chứa hạt Aluwat để khử kim loại trong nước. Cuối cùng, nước được khi xử lý qua máy lọc RO. Với 7 lõi lọc, máy lọc RO sẽ loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn, cáu cặn, tạp chất. Đồng thời, hấp thụ các tạp chất như clo, các chất hữu cơ hòa tan và làm mềm nước, khử các kim loại nặng trong nước.

“Với lõi than hoạt tính kết hợp với đá khoáng maifan giúp bổ sung thêm một lượng khoáng cần thiết, tạo vị ngon, mát tự nhiên của nguồn nước”- ông Hùng nói và cho biết, nước được xử lý theo công nghệ  nói trên (gọi là nước ion hóa hay nước điện giải) có khả năng làm lành vết thương nhanh hơn bình thường. Ngoài ra, nước có thể dùng để rửa vết thương giúp giảm đau và chuyển hóa tích cực các thuốc chữa bệnh cho vết thương. Nước còn giúp hấp thụ, chuyển hóa các chất dinh dưỡng, giải độc, tạo điều kiện cho các chức năng khác của con người hoạt động hiệu quả…

Kỹ sư Hồ Quốc Hùng giới thiêu về quy trình xử lý nước theo công nghệ mới.

Quy trình trên đã được CASTA chuyển giao và ứng dụng tại Công ty TNHH ADTES (Cần Thơ) trong sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Bà Trần Lê Như Huyền, Phòng Nghiên cứu sản phẩm của Công ty TNHH ADTES, cho biết, nước được xử lý qua hệ thống giữ lại một số thành phần khoáng chất tự nhiên có trong nước nên dễ được hấp thụ, thẩm thấu vào cơ thể, bù được lượng nước và khoáng đã mất trong quá trình hoạt động của con người.

“Hiện nay, sản phẩm nước uống đóng chai của Công ty mới ra đời nhưng được nhiều người tiêu dùng đón nhận và tin dùng” - bà Huyền chia sẻ.

Ông Hùng cho biết thêm, thời gian qua, CASTA đã chuyển giao công nghệ xử lý nước ion cho Công ty nước uống Ion MIKA (Bình Dương), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Lắc và một số hộ hộ gia đình, trường tiểu học ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang... với công suất từ 250 - 2000 lít/h.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài