SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tình hình bệnh Parvovirus trên chó tại bệnh xá thú y trường Đại học Cần Thơ

[11/09/2018 17:04]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Yến Mai và Trần Văn Thanh - Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ; Trần Ngọc Bích - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Canine Parvovirus (CPV) lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970, và kể từ đó nó được biết là một tác nhân gây bệnh đường ruột của chó trên toàn thế giới (Appel et al., 1979). Kể từ khi xuất hiện, CPV đã gây ra đại dịch bệnh có dấu hiệu viêm dạ dày ruột nặng, sự lây nhiễm đặc biệt là ở chó con. CPV phát triển nhanh chóng nhiều biến dị di truyền và kháng nguyên đã được báo cáo lưu hành trên toàn thế giới (Miranda et al., 2016). Con đường lây nhiễm chính là qua đường miệng, thông qua tiếp xúc với phân của những con chó bị nhiễm bệnh hoặc các chất fomit bị ô nhiễm, được tạo điều kiện bởi sự đề kháng đặc biệt của virus trong môi trường. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm thiếu máu, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy có máu (Decaro and Buonavoglia, 2012).

 McCandlish (1998) cho rằng có sự giảm thiểu bạch cầu đối với chó bị mắc bệnh khi có dấu hiệu viêm ruột nặng và cũng có những đề xuất điều trị bệnh bằng kháng sinh, dịch truyền, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý (Lobetti, 2003). Bệnh do Parvovirus trên chó là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do 3 biến chủng Canine Parvovirus type 2 (CPV-2). Thường chó từ 6-20 tuần tuổi dễ mắc bệnh này với hai thể hay gặp là thể tim và thể tiêu hoá (Ferner,1993).

Mặc dù trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến bệnh  Parvovirus gây ra trên chó. Tuy nhiên ở nước ta lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vì vậy,  tỷ lệ nhiễm bệnh do Parvovirus trên chó dưới 6 tháng tuổi tại bệnh xá Thú y trường đại học Cần Thơ được tiến hành khảo sát với mục tiêu xác định tình hình nhiễm bệnh do Parvovirus trên chó dưới 6 tháng. 

Thí nghiệm được tiến hành để xác định tỷ lệ nhiễm Canine Parvovirus (CPV) dựa vào kit chẩn đoán  nhanh CPV – Ag  trên chó từ 2 đến 6 tháng tuổi bị  tiêu chảy phân có lẫn máu tại Bệnh xá Thú y-Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy 70 trong tổng số 159 chó tiêu chảy phân có lẫn máu bị mắc bệnh Parvovirus, chiếm tỷ lệ 44,03%.  Chó từ độ tuổi từ 2 đến nhỏ hơn 3 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao (82,61%) và khác biệt có ý nghĩa thống kê với chó ở độ tuổi từ 3 đến nhỏ hơn 4 tháng tuổi (50%). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nhiễm bệnh ở chó đực và cái. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm chó giống nội và nhóm chó giống ngoại lần lượt là 43,06% và 44,83%. Chó được tiêm ngừa vaccine phòng bệnh thì tỷ lệ bệnh thấp hơn so với chó không được tiêm ngừa vaccine (2,90% so với 75,56%). Hiệu quả điều trị bệnh Parvovirus trên chó là 84,29%.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 4, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ