SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao ương Cá Tra

[14/09/2018 10:22]

Nghiên cứu do tác giả Âu Văn Hóa và Vũ Ngọc Út (thuộc Khoa thủy sản, trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm kích thích sự phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao ương làm tăng khả năng bắt mồi và tăng trưởng của Cá Tra bột.

Ảnh: Minh họa

Cá tra là một trong những thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, để có thể mang lại hiệu quả trong việc ương Cá Tra thì nguồn thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng quan trọng và không thể thiếu để nâng cao chất lượng cũng như tỉ lệ sống của cá. Tuy nhiên hiện nay, nguồn thức ăn tự nhiên đang dần bị thiếu hụt. Vì vậy, người ương cá đang tìm kiếm một số loại sản phẩm thương mại hiệu quả hơn (SUPER Benthos, Supa-stock®…). Các tác giả đã đánh giá được hiệu quả của các loại sản phẩm thương mại này là cần thiết, làm cơ sở để khuyến cáo và ứng dụng sản phẩm trong ương Cá Tra bột nhằm nâng cao tỉ lệ sống và hiệu quả ương giống Cá Tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu thực hiện trên trên sản phẩm bột dinh dưỡng thương mại (Supa-stock®) nhằm kích thích sự phát triển nguồn thức ăn tự nhiên là tảo và động vật phù du (ĐVPD) trong ao ương làm tăng khả năng bắt mồi và tăng trưởng của Cá Tra bột.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 2/2017 đến tháng 4/2017 tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Thí nghiệm được tiến hành với 3 nghiệm thức bao gồm: (1) nghiệm thức đối chứng (không bổ sung Supa-stock®), (2) bổ sung Supa-stock® 2 ngày trước khi thả Cá Tra bột, và (3) bổ sung Supa-stock® 4 trước ngày khi thả Cá Tra bột. Trong Supa-stock® gồm có các thành phần dinh dưỡng như Protein; Acid amin: D – L Methionine, L – Lysine; Vitamin: A, D3, E, B1, B2, B6, B12; axit folic, Betaine, Niacin, Calpan; Khoáng: sắt, đồng, mangan, phot pho, canxi. Sản phẩm cung cấp đạm, axit amin, vitamin và khoáng chất, đây cũng là những dưỡng chất cần thiết nhằm kích thích thức ăn tự nhiên là tảo và động vật phù du (ĐVPD) phát triển. Bên cạnh đó, các tác giả sử dụng thành phần Thành phần và mật độ ĐVPD trong ao thông qua thu mẫu và phân tích định tính và định lượng, mẫu định tính được thu bằng việc kéo lưới, còn mẫu định lượng thu bằng xô nhựa. Thành phần ĐVPD được xác định dưới kính hiển vi dựa vào tài liệu phân loài được các tác giả nghiên cứu. Thông qua việc nghiên cứu các tác giả đã cho thấy rằng, có tới 65 loài ĐVPD trong các ao ương thuộc 4 nhóm là luân trùng (Rotifera), giáp xác chân mái chèo (Copepoda), giáp xác râu ngành (Cladocera) và động vật nguyên sinh (Protozoa). Thứ hai, Mật độ ĐVPD trong ao ương Cá Tra dao động 118.148 - 5.777.037 cá thể/m3 , trong đó luân trùng chiếm tỉ lệ cao và nguyên sinh động vật là thấp nhất. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy sự đa dạng và phát triển của quần thể động vật trong ao ương Cá Tra không bị ảnh hưởng bởi các thời điểm bổ sung khác nhau như trong thí nghiệm. Khi sử dụng bột dinh dưỡng Supa-stock® trong thí nghiệm này giúp quần thể động vật trong ao phát triển tốt hơn so với ao không sử dụng phân bón; đồng thời cũng giúp giảm chi phí thức ăn trong giai đoạn 10 ngày đầu sau khi thả giống.

Tạp chí Khoa học tập 54, chuyên đề Thủy sản (2018) – Đại học Cần Thơ (nkyen)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ