SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng điều trị bệnh do Escherichia Coli bằng cây nha đam (Aloe vera) trên chuột và vịt thí nghiệm

[14/09/2018 10:29]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Kim Diệu, Trần Thị Ngọc Thanh và Trần Thanh Toàn ̣- Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: Sưu tầm

Nha đam (Aloe vera) được sử dụng để điều trị vết thương, có tác dụng thanh nhiệt, thông tiện, chống táo bón, chống oxy hóa, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, kháng viêm, kháng virus, kháng nấm, trị tiểu đường, trị rối loạn tiêu hóa bao gồm loét dạ dày cấp và mãn tính. Đồng thời, nha đam có khả năng ức chế E.coli, Salmonella spp., Klebshiella spp., Pseudomonas spp., Staphylococcus spp.

Bệnh tiêu chảy do E. coli là bệnh thường xảy ra ở gia súc và gia cầm, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi và kháng sinh được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh này. Tuy nhiên, sự tồn dư, tích lũy kháng sinh trong các sản phẩm động vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người và còn gây kháng thuốc. Do đó, sử dụng thảo dược thay thế kháng sinh trong phòng trị bệnh ngày càng được quan tâm.

Để đánh giá khả năng điều trị bệnh do Escherichia coli của cây nha đam. Cao nha đam được sử dụng điều trị bệnh cho chuột bạch và vịt được gây nhiễm E. coli với liều LD50. Thí nghiệm trên chuột sử dụng cao chiết từ mehanol với các liều điều trị 0,01 g/chuột/2lần/ngày; 0,02 g/chuột/2lần/ngày và 0,03g/chuột/2lần/ngày. Thí nghiệm điều trị trên vịt sử dụng cao chiết từ ethanol với các liều điều trị 0,02 g/kg thể trọng/2lần/ngày; 0,03g/kg TT/2lần/ngày và 0,04 g/kg TT/2lần/ngày. Kết quả cho thấy cao Nha đam chiết xuất bằng methanol có khả năng điều trị bệnh do E.coli trên chuột ở liều 0,03 g/con/2lần/ngày cho hiệu quả cao nhất, tỷ lệ khỏi bệnh là 94,4%. Cao nha đam chiết xuất bằng ethanol cũng có khả năng điều trị bệnh do E.coli trên vịt, hiệu quả cao nhất ở liều 0,04 g/kg TT/2lần/ngày, tỷ lệ khỏi bệnh là 93,3%; hiệu quả hơn sử dụng colistin liều 0,5 g/kg TT/2lần/ngày với tỷ lệ khỏi bệnh 86,7%.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 51, Phần B (2017) (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ