SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần động vật phù du ở sông Cái Lớn huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

[14/09/2018 11:08]

Nghiên cứu do các tác giả: Trần Văn Phước, Trương Thị Bích Hồng - Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang và Lương Thị Mỹ Lụa - Sinh viên K56, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Kiên Giang là tỉnh ven biển phía Tây Nam của nước ta, không chỉ có thế mạnh về du lịch, mà còn có tiềm năng kinh tế về thủy sản do có biển và hệ thống sông ngòi phong phú. Sông Cái Lớn là một con sông quan trọng chảy qua địa phận tỉnh Kiên Giang. Sông được bắt nguồn từ rạch Cái Lớn, tỉnh Hậu Giang, dòng chảy rộng dần vào tỉnh Kiên Giang. Từ đây, sông chảy theo hướng Tây-Bắc đổ ra vịnh Rạch Giá tại thành phố Rạch Giá. Sông không chỉ có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển hàng hóa, trao đổi với một số tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Với chiều dài hơn 60 km, sông Cái Lớn có nhiều loài thủy sản đặc trưng như cá lưỡi trâu, cá bống, cá chốt góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học của thủy vực nước chảy. Bên cạnh những loài thủy sản có giá trị kinh tế như: cá, giáp xác cỡ lớn, nhuyễn thể, còn có nhóm động vật phù du.

Động vật phù du (ĐVPD) là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới thức ăn của thủy vực. Chúng không chỉ là thức ăn tự nhiên cho các loài cá nhỏ và giai đoạn ấu trùng của nhiều loài cá có kích thước lớn mà còn góp phần lọc sạch nước và là sinh vật chỉ thị chất lượng nước của thủy vực. Bởi vì, động vật phù du có giá trị dinh dưỡng cao, lơ lửng trong tầng nước, phù hợp với tập tính dinh dưỡng của đa số loài thủy sản (Lê Thanh Hùng, 2018). Thêm vào đó, một số nhóm loài ĐVPD (như Rotifera) khá nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, chúng được xem là sinh vật chỉ thị để đánh giá chất lượng nước của thủy vực (Mekong River Commission, 2012). Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về sinh khối cũng như thành phần loài ĐVPD ở khu vực này. Chính vì vậy, nghiên cứu “Thành phần động vật phù du ở sông Cái Lớn huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang” đã được tiến hành nhằm xác định thành phần loài ĐVPD, từ đó đánh giá nguồn thức ăn tự nhiên trong thủy vực, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc đánh giá chất lượng môi trường nước của sông Cái Lớn.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 02/2017 đến 08/2017. Mẫu động vật phù du được thu 6 đợt với 3 đợt vào mùa khô, 3 đợt vào mùa mưa, tại 6 điểm trên sông chính. Tổng số loài động vật phù du đã xác định được là 105 loài. Số lượng các loài động vật phù du có sự biến động theo các đợt thu mẫu, dao động từ 71 loài trong mùa mưa đến 95 loài trong mùa khô. Trong đó, số lượng loài Rotifera phong phú nhất với 47 loài (44,8%), tiếp đến là Copepoda với 23 loài (21,9%). Mật độ động vật phù du ở sông Cái Lớn trong thời gian nghiên cứu cao, dao động từ 14.167 đến 62.000 cá thể/m3.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ