SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt tính kháng khuẩn của một số cao chiết thảo dược kháng vi khuẩn gây bệnh ở tôm nuôi

[28/09/2018 14:46]

Nghiên cứu do các tác giả: Hồng Mộng Huyền và Trần Thị Tuyết Hoa - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ; Võ Tấn Huy - Học viên ngành Nuôi trồng Thủy sản K23, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Nghề nuôi tôm hiện nay đang được đầu tư và định hướng phát triển mang tính bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc thâm canh hóa nâng cao năng suất kết hợp với điều kiện biến đổi khí hậu tại vùng nuôi đã làm gia tăng tình hình dịch bệnh ở hầu hết các mô hình nuôi tôm thương phẩm. Do vậy, việc tìm ra các giải pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch tôm, giúp phòng bệnh cho tôm nuôi là điều cần thiết (Pholdaeng and Pongsamart, 2010)

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã xác định hiệu quả của việc sử dụng chiết xuất thảo dược giúp tôm, cá tăng trưởng tốt, tăng cường hệ miễn dịch và ức chế vi khuẩn gây bệnh (Citarasu, 2010; Saptiani et al., 2013; Reverter et al., 2014, Syahidah et al., 2015). Nhiều loại thảo dược đã được xác định có hoạt tính sinh học cao cũng như có khả năng kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, ký sinh trùng, kích thích tăng trưởng, kích thích tuyến sinh dục thành thục, chống stress, tăng cường miễn dịch (Citarasu, 2010). Một nghiên cứu về thảo dược ở Trung Quốc cho thấy cao chiết từ năm loại thảo dược (Stellaria aquatica, Impatiens Biflora, Oenothera biennis, Artemisia vulgaris và Lonicera japonica) có khả năng chống lại 13 loại vi khuẩn gây bệnh cá, đặc  biệt là vi khuẩn Aeromonas salmonicida và

Edwardsiella ictaluri (Shangliang et al., 1990). Cây quế đã được xác định có hoạt tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh trên cá rô phi (Ahmad et al., 2011). Ở Ấn Độ, chiết xuất Rosmarinus officinalis được dùng trị bệnh cho cá rô phi (Oreochromis sp.) bị nhiễm Streptococcus (Abutbul et al., 2004), hay chiết xuất hạnh nhân được dùng trị ký sinh trùng và vi khuẩn A. hydrophila (Chitmanat et al., 2003). Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng thảo dược trên tôm. Năm 2010, Guo et al., đã sàng lọc nhiều loại thảo dược nhằm chống lại vi khuẩn Vibrio harveyi gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng, trong đó có 26 loại thảo dược được khảo sát, kết quả cho thấy khi kết hợp nhiều loại thảo dược cho hoạt tính kháng khuẩn cao hơn so với dùng đơn. Ở Việt Nam, tác dụng diệt khuẩn của cao chiết lá sim và hạt sim (Rhdomyrtus tomentosa) đã được xác định đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với kết quả đường kính vòng vô khuẩn đạt được là 17,67 mm đối với chủng V.  parahaemolyticus KC13.14.2, 18 mm với chủng V. parahaemolyticus KC12.02.0 và 19,3 mm với chủng Vibrio sp. KC13.17.5 (Đặng Thị Lụa và ctv., 2015). Cao chiết methanol cây cỏ mực cũng được thử nghiệm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn với 12 chủng vi khuẩn Vibrio spp. được phân lập từ 30 mẫu ruột tôm sú, thu từ sáu ao nuôi khác nhau. Thí nghiệm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết cỏ mực được thực hiện ở các nồng độ 8, 16, 32, 64 và 128 µg/mL. Hiệu quả kháng khuẩn ghi nhận ở 10/12 chủng vi khuẩn phân lập, trong đó nồng độ 8 µg/mL cho đường kính vòng kháng khuẩn đạt 30,3 mm đối với chủng G5, chủng được xác định có tỉ lệ tương đồng 99% với V. parahaemolyticus  (Đái Thị Xuân Trang và ctv., 2015).

Bên cạnh đó, thảo dược với nhiều ưu điểm như rẻ, dễ chuẩn bị, hiệu quả phòng bệnh cao do dễ hấp thu, ít tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như không nguy hiểm đến đối tượng nuôi (Ngo Van Hai, 2015). Tuy nhiên, ở Việt Nam, thông tin khoa học về việc sử dụng chiết xuất thảo dược ức chế vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi vẫn còn hạn chế. Trên cơ sở đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tiềm năng thảo dược vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong nghề nuôi thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng. Kết quả nghiên cứu nhằm đóng góp thông tin khoa học cho việc định hướng về khả năng ứng dụng thảo dược vào qui trình nuôi tôm, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi thủy sản.  

Nghiên cứu được tiến hành nhằm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của bảy loại chất chiết thảo dược (thầu dầu, lưỡi rắn, mật gấu, chùm ngây, lược vàng, ô rô và sài đất) với nguyên liệu được thu ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt tính kháng khuẩn, nồng độ ức chế tối thiểu (MIC), nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) của bảy loại cao chiết thảo dược được sàng lọc trên hai chủng vi khuẩn thường gây bệnh cho tôm nuôi (Vibrio harveyi và Vibrio parahaemolyticus). Kết quả ghi nhận: Bảy loại cao chiết có hoạt tính kháng khuẩn khác nhau, trong đó cao chiết thầu dầu (Ricinus communis L.) cho hiệu quả cao nhất với đường kính vòng vô khuẩn 17 - 18 mm, kế đến là cao chiết mật gấu (Vernonia amygdalina del.), chùm ngây (Moringa oleifera), ô rô (Acanthus ilicifolius L.) và sài đất (Wedelia calendulacea (L) Less.) với đường kính vòng vô khuẩn ở mức trung bình từ 10 - 11 mm. Ngược lại, đường kính vòng vô khuẩn thấp nhất trên cả hai chủng vi khuẩn thu được từ dịch chiết cây lưỡi rắn (Hedyotis corymbosa L.) và lược vàng (Callisia fragrans) với vòng kháng khuẩn tương ứng là 7 mm và 8 mm; Kết quả cũng được xác định hiệu quả ở cao chiết thầu dầu đối với V. harveyi, V. parahaemolyticus, tương ứng với giá trị MIC và MBC là 1,25 mg/ml và 2,5 mg/ml; 2,5 mg/ml và 5,0 mg/ml.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài