SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đáp ứng miễn dịch và sức đề kháng với Vibrio harveyi của Tôm sú (Penaeus monodon) ăn thức ăn có bổ sung chất từ Rong mơ (Sargassum microcystum)

[28/09/2018 17:03]

Nghiên cứu do các tác giả: Hồng Mộng Huyền, Huỳnh Trường Giang và Trần Thị Tuyết Hoa - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Tôm sú, Penaeus monodon, được nuôi chủ yếu ở Châu Á vào thời gian trước năm 2000. Sau đó, với sự xuất hiện của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) sạch bệnh (SPF - specific pathogen free) thì đối tượng này được lựa chọn nuôi phổ biến trên toàn cầu, với mong nuốn hạn chế được bệnh đốm trắng (Thitamadee et al., 2016). Tuy nhiên, thực tế ghi nhận cả hai loài tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều cùng nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh đốm trắng (white spot syndrome virus - WSSV) (Lo et al., 2012), virus gây bệnh đầu vàng (yellow head virus - YHV) (Cowley et al., 2012), “bệnh tôm chết bí ẩn“ (covert mortality nodavirus - CMNV) (Zhang et al., 2014), bệnh do vi bào tử trùng (enterocytozoon hepatopenaei - EHP) (Chayaburakul et al., 2004; Tangprasittipap et al., 2013), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do Vibrio parahaemolyticus (Loc et al., 2013). Vi khuẩn Vibrio harveyi, V. splendidus, V. orientalis, V. fischer được xác định là tác nhân gây bệnh phát sáng trên tôm. Tuy nhiên, V. harveyi được xác định là tác nhân chính gây bệnh phát sáng trên tôm sú. Bệnh phát sáng được tìm thấy trên ấu trùng, hậu ấu trùng tôm sú và gây thiệt hại đến kinh tế và nghề nuôi tôm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt như ở Indonesia (Sunaryanto and Mariam, 1986), Thái Lan (Jiravanichpaisal et al., 1994), Philippines (Baticados et al., 1990; Lavilla-Pitogo et al., 1990), Australia (Pizzutto and Hirst, 1995), Đài Loan (Liu et al., 1996) và Ecuador (Robertson et al., 1998). 

Hiện nay, nhu cầu sử dụng rong biển rất lớn, chúng có vai trò như nguồn lương thực, thức ăn cho gia súc, phân bón và nguồn dược liệu (SánchezMachado et al., 2004). Trong đó, ngành rong nâu được xác định là nguồn nguyên liệu giàu hoạt chất sinh học với nhiều hoạt tính sinh học cao như chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ, chống bức xạ UV-B, có khả năng làm lành vết thương và tái tạo cấu trúc tế bào, giúp tăng cường miễn dịch (Liu et al., 2012). Cụ thể, fucoidan là chất được ly trích từ rong nâu, có chứa polysaccharides sulfate, có thể giúp tăng cường miễn dịch cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng chống lại virus gây bệnh đốm trắng (WSSV), hay bệnh đỏ thân do vi khuẩn V. alginolyticus (Pantakar et al., 1993; Blondin et al., 1994; Immanuel et al., 2012; Kitikiew et al., 2013). Rong mơ Sargassum microcystum phân bố phổ biến ở nhiều vùng biển miền Nam Việt Nam, chất chiết từ rong mơ S. microcystum có hoạt tính chống oxy hóa cao (Huỳnh Trường Giang và ctv., 2013). Rong mơ (Sargassum microcystum) phân bố phổ biến ở nhiều vùng biển miền Nam Việt Nam, chất chiết từ rong mơ S. microcystum có hoạt tính chống oxy hóa cao (Huỳnh Trường Giang và ctv., 2013). Do đó, S. microcystum rất có tiềm năng trong việckích thích miễn dịch, giúp tôm, cá tăng cường sức đề kháng chống lại mầm bệnh. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu, vùng biển nuôi trồng cũng gây ra sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của rong biển (DarcyVrillon 1993; Burtin 2003). Các thử nghiệm cần được thực hiện để xác định  phương pháp chiết xuất, liều lượng sử dụng, thời gian bổ sung nhằm tăng khả năng đề kháng với tác nhân gây bệnh của một số đối tượng nuôi thủy sản khi được bổ sung chất chiết từ rong mơ S. microcystum. Do vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu xác định liều lượng bổ sung chất chiết rong mơ S. microcystum giúp phòng bệnh phát sáng do vi khuẩn V. harveyi trên tôm sú.

Thử nghiệm được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của hỗn hợp chất chiết từ rong mơ (Sargassum microcystum) bổ sung vào thức ăn cho tôm sú (Penaeus monodon). Tôm được cho ăn với chế độ ăn bổ sung hỗn hợp chất chiết rong mơ S. microcystum ở các hàm lượng khác nhau (0%, 0,5%, 1%, 2% chiết xuất từ rong mơ), cho ăn liên tục trong 30 ngày, Thí nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio harveyi được tiến hành trong xô nhựa 60 L với 30 con tôm/nghiệm thức. Các chỉ tiêu miễn dịch của tôm thí nghiệm bao gồm tổng số tế bào bạch cầu (THC), số lượng tế bào bạch cầu có hạt (LGC), số lượng tế bào bạch cầu không hạt (HC), hoạt tính phenoloxidase (PO) và sức đề kháng với V. harveyi được đánh giá. Kết quả cho thấy: (i) THC, LGC, HC và hoạt tính enzyme PO gia tăng đáng kể trong nhóm bổ sung 1% chiết xuất từ rong mơ, (ii) tỉ lệ sống cao nhất (80%) được ghi nhận ở nhóm ăn thức ăn bổ sung với nồng độ 1% chất chiết từ rong mơ sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn V. harveyi. Đồng thời, việc cho ăn 1% hỗn hợp chất chiết từ rong mơ S. microcystum có thể tăng khả năng đáp ứng miễn dịch và kháng lại V. harveyi ở tôm sú.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ