SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đề kháng insulin ở bệnh nhân bệnh mạch vành cao tuổi không đái tháo đường tại bệnh viện Thống Nhất

[01/10/2018 10:58]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Trang Mộng Hải Yên, Nguyễn Thị Diệu Hương, Phạm Hoà Bình và Nguyễn Văn Trí thực hiện.

Ảnh minh họa.

Đái tháo đường được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành cấp với tỉ lệ ngày càng tăng ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, kháng insulin là yếu tố chính liên quan dẫn đến đái tháo đường ở người cao tuổi và tỉ lệ này cũng đang tăng lên. Do vậy, việc xác định tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân bệnh mạch vành cao tuổi không đái tháo đường sẽ giúp cho việc phát hiện tình trạng tiền đái tháo đường, và giúp ngăn ngừa xảy ra các biến chứng do đái tháo đường, trong đó có biến cố mạch vành cấp, ở giai đoạn sớm.

Nghiên cứu khảo sát đề kháng insulin ở bệnh nhân bệnh mạch vành cao tuổi không đái tháo đường tại bệnh viện thống nhất. Sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang mô tả, thực hiện trên 330 bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên và mắc bệnh mạch vành. Giá trị chuẩn của chỉ số kháng insulin HOMA – IR (HOMA: homeostasis model assessment - IR: insulin resistance) dựa vào định nghĩa của tổ chức y tế thế giới 1998, là điểm cắt tứ phân vị cao nhất của tập hợp giá trị HOMA IR, xác định từ nhóm cá thể chuẩn là 117 người ở độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi, khỏe mạnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm nghiên cứu gồm 330 bệnh nhân (63% nam và 37% nữ). Giá trị có được từ xác định điểm cắt tứ phân vị cao nhất giá trị HOMA IR của nhóm chuẩn là HOMA-IR 75 = 2,2. Tỉ lệ tăng kháng insulin của nhóm nghiên cứu là 50,9%, tỉ lệ tăng kháng insulin ở các nhóm yếu tố nguy cơ tăng huyết áp là 53,28%; rối loạn lipid máu là 53,51% (166/370), béo phì là 81,82%, có chỉ số WHR cao là 61,63%. Qua phân tích mối liên quan nhận thấy nguy cơ tăng đề kháng insulin tăng lên 2,3 lần nếu bị rối loạn lipid máu chung (p=0,002; OR=2,3; CI95% = 1,35 – 3,85); 1,83 lần nếu bị tăng triglycerid máu (p=0,008; OR=1,83; I95% = 1,18 – 2,86); 7,4 lần nếu chỉ số BMI trên 23 (béo phì) (p < 0,001; OR=7,4; CI95% = 3,82 – 8,62); 2,49 lần nếu chỉ số WHR tăng (p=0,000; OR=2,49; CI95% = 1,6 – 3,87). Như vậy, trong nghiên cứu này, tình trạng tăng kháng insulin có nguy cơ tăng lên trên các đối tượng bệnh nhân bệnh mạch vành từ 65 tuổi trở lên mắc rối loạn lipid máu, tăng triglycerid máu, béo phì (BMI >23), tăng chỉ số eo hông (WHR).

Tạp chí y học TP HCM, số 1/2018, tập 22 (ttncac)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài