SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm hiểu đa dạng di truyền Cá Lăng chấm (Hemibagrus Guttatus Lacepede, 1803) bằng chỉ thị phân tử microsatellite

[03/10/2018 13:51]

Nghiên cứu do nhóm tác giả: Bùi Hà My, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Hứu Đức và Trần Thị Thúy Hà - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 thực hiện

Ảnh sưu tầm.

Cá Lăng chấm (Hemibagrus Guttatus Lacepede, 1803) là loài cá hoang dã có giá trị kinh tế cao ở miền Bắc Việt Nam. Trên thế giới, cá Lăng chấm phân bố tập trung ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia (Mai Đình Yên, 1978). Ở Việt Nam, cá Lăng chấm được tìm thấy chủ yếu ở các sông lớn ở các tỉnh phía Bắc như hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Thao, sông Chảy … Tuy nhiên, do sự khai thác quá mức của con người, hiện nay cá Lăng chấm đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp bậc V.

Trước tình trạng đó, nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Lăng chấm được tiến hành nhằm bảo vệ đa dạng nguồn gen, đồng thời phục vụ sản xuất. Vấn đề đảm bảo chất lượng di truyền cá giống được đặt ra cho các nhà quản lý cũng như người nuôi. Xét về mặt di truyền, sự giao phối cận huyết là nguyên nhân gây ra một số tác động tiêu cực như tăng tỉ lệ đồng hợp tử dẫn đến tăng cơ hội biểu hiện gen lặn gây chết, suy thoái cận huyết và giảm biến dị di truyền (Falconer, 1989). Tất cả những biểu hiện trên đều dẫn đến sự sụt giảm chất lượng giống. Vì vậy, việc tiến hành đánh giá đa dạng di truyền cho cá Lăng chấm cung cấp nguồn thông tin hữu hiệu về mặt di truyền cho công tác chọn giống có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong nghiên cứu này của Bùi Hà My, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Hứu Đức và Trần Thị Thúy Hà, ba chỉ thị microsatellite được sử dụng để tìm hiểu đặc điểm di truyền của 4 quần đàn cá Lăng chấm (3 quần đàn tự nhiên tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang và 1 quần đàn cá bố mẹ nuôi giữ tại Hải Dương). Các chỉ thị này có mã số truy cập lần lượt là KJ873116, KJ873117 và NC023976. Ba vị trí microsatellite đều thể hiện tính đa hình cao, với tổng số 16 allele trên cả 3 locus, lần lượt là 5, 5 và 6 allele tương ứng với vị trí locus HM7, HM8 và SS1. Quần đàn cá Lăng chấm thu ở Hà Giang có tổng số allele cao hơn so với ba quần đàn thu ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hải Dương. Số allele quan sát (Na = 3,83 ± 0,24) lớn hơn số allele hiệu quả (Ne = 2,14 ± 0,13) trên tất cả các vị trí phân tích và tại mỗi locus đều xuất hiện những allele với tần số rất thấp (<0,1). Mức dị hợp tử quan sát (Ho = 0,51 ± 0,25 – 0,71 ± 0,17) cho giá trị lớn hơn mức dị hợp tử kì vọng (He = 0,38 ± 0,06 -0,63 ± 0,03). Chỉ số cận huyết (FIS) ở mức thấp trên cả ba locus và sự khai thác di truyền giữa các 4 quần đàn cá Lăng chấm là không rõ rệt với hệ số sai khác di truyền FST ở mức nhỏ hơn 0,05. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin khoa học cho các chương trình lai tạo và bảo tồn đa dạng nguồn gen cá Lăng chấm trong tương lai.

Tạp chí Công nghệ Sinh học - Tập 16, số 1/2018, 59-65 (vtkngan)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ