SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đồng vị phóng xạ chì trong không khí Hà Nội cao nhất vào mùa đông

[04/10/2018 09:49]

Trong một mét khối không khí có 2,89 mili Becquerel (mBq/m3) đồng vị phóng xạ chì Pb210. Mùa đông tháng cao nhất có thể lên tới 9,24 mBq/m3.

Nhiều chỉ số trong không khí ở Hà Nội vượt mức giới hạn cho phép. Ảnh: HH.

Lần đầu tiên đồng vị phóng xạ chì (Pb210) - một chỉ số phóng xạ có trong đất, bay lên không khí đã được các nhà khoa học trẻ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam dùng tia gamma để đo chính xác.

Thông tin được công bố tại hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ năm, tổ chức ngày 3-4/10 tại Hà Nội.

Kết quả đo mẫu không khí ở Hà Nội từ tháng 2/2017 đến tháng 1/2018 thu được trên phin lọc sợi thủy tinh cho thấy nồng độ chì phóng xạ hàng tuần nằm trong khoảng từ 0,12 - 2,89 mili Becquerel/m3 (mPq/trong một mét khối không khí). Chỉ số này nằm trong giới hạn cho phép. Vào các tháng mùa đông nồng độ chì phóng xạ thường cao hơn mùa hè. Tháng cao nhất lên tới 9,24mBq/m3.

Ths Dương Đức Thắng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đồng vị phóng xạ chì này không độc hại như chì thông thường nếu con người hít thở từ không khí. Việc đo đếm chính xác các thông số có ý nghĩa quan trọng để nghiên cứu, tính toán mức độ bồi lắng lòng hồ, sông biển, xói mòn đất.

Các cơ quan quản lý môi trường trước đây chưa đo được chỉ số này do các thiết bị thông thường sẽ không nhận biết và phân biệt được chỉ số chi tiết mà chỉ đo được tổng lượng chì.

Còn với phương pháp phóng xạ, dùng tia gamma có thể đo được đồng vị Pb210 (trong không khí có rất nhiều đồng vị Pb204,205,206,207...) kể cả mức rất thấp. Giới chuyên môn cho rằng, phương pháp này cũng mở ra triển vọng cho ngành môi trường khi cần đo chính xác các kim loại nặng có trong không khí.

ThS Dương Đức Thắng giới thiệu kết quả nghiên cứu. Ảnh: BN.

TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, đây chỉ là một trong số nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế.

Đã có nhiều dược chất, đồng vị phóng xạ được Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Năng lượng nguyên tử Việt Nam sản xuất phục vụ trong y tế, công nghiệp. Sản phẩm cây, con chiếu xạ có khả năng kháng bệnh không cần dùng kháng sinh cũng được tạo ra phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử được tổ chức 2 năm một lần nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trong ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Năm nay có 63 báo cáo được gửi đến, trong đó có 38 báo cáo được Ban tổ chức lựa chọn trình bày tại 2 tiểu ban chuyên môn và 21 báo cáo dán bảng. 

Trong số đó có báo cáo về: so sánh và đánh giá kế hoạch xạ phẫu khối u trong não trên máy cyberknife và truebeam STX; thiết kế kênh chiếu xạ phục vụ nghiên cứu pha tạp đơn tính thể silic trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; tính toán các hiệu ứng tự che chắn, tán xạ nhiều lần và bắt bức xạ lên tiết diện neutron bằng chương trình mô phỏng MCNP; dự đoán trạng thái nhiên liệu trong điều kiện vận hành ổn định của lò phản ứng hạt nhân AP-1000 bằng phần mềm mô phỏng FRAPCON...

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ