SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

“Nhập khẩu” mô hình quản lý khoa học

[29/10/2018 10:42]

Nhìn chung hệ thống các viện nghiên cứu của Việt Nam đang trong tình trạng trì trệ, chưa tạo môi trường phù hợp cho phát triển khoa học; nên việc ‘nhập khẩu’ thể chế và cung cách tổ chức nghiên cứu khoa học (NCKH) của nước ngoài là hết sức cần thiết, để có thể từng bước ‘thay máu’ cho hệ thống nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Động lực để “nhập khẩu”

dNCKH của ta chỉ mới bắt đầu gần đây, sau thế giới ba bốn trăm năm, nên việc du nhập khoa học từ các nước phát triển là lẽ đương nhiên, cần được đặt ra như một chủ trương lớn của nhà nước. Gửi người đi đào tạo ở nước ngoài chính là một cách du nhập khoa học, nhưng con đường thứ hai, cơ bản hơn nhiều, là mời những chuyên gia có trình độ cao từ nước ngoài đến xây dựng mới (dễ hơn), hoặc nâng cấp cơ sở cũ (khó hơn nhiều). Trên thực tế, chúng ta đã “du nhập” thành công như thế sau khi đất nước giành được độc lập với hàng loạt các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Đức, Ba Lan… và một số nhà khoa học yêu nước theo Bác Hồ về nước để tham gia vào công cuộc ‘kháng chiến, kiến quốc’ của dân tộc. Nhiều nước xung quanh ta đã thành công từ cách làm này.

Để việc “nhập khẩu” mô hình quản lý có thể thành công, cần có 3 loại động lực là (i) tinh thần, (ii) vật chất và (iii) môi trường làm việc. Cả 3 loại động lực này hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, nhưng trước hết cần tạo ra cho nhà khoa học động lực về tinh thần, vì mục đích tối thượng của đa số các nhà khoa học trong hoạt động KH-CN không phải là để kiếm tiền, đành rằng ai cũng cần ăn, ở, mặc trước khi làm khoa học. Để có động lực tinh thần, nhà khoa học còn cần được hiểu đúng, đánh giá đúng những cống hiến của họ cho xã hội và cho đất nước.

Những người có năng lực thực sự thì hay có những ý tưởng riêng, phong cách riêng, thường gọi là có cá tính, không chịu luồn cúi nịnh bợ ai; họ coi hành vi này là sự sỉ nhục; hình như ai đó đã nói ‘cái ngu dốt nhất của những người có tài là không biết xu nịnh!’

Động lực vật chất trong điều kiện hiện nay chính là chế độ lương và thưởng, cơ chế lương và thưởng hiện nay không khuyến khích nghiên cứu khoa học.. Một phát minh sáng chế có khi tạo ra hiệu quả xã hội rất lớn, nhưng hiện chưa được nhà nước đánh giá đúng. Việc trả lương gấp 5 – 6 lần mức lương của nhà nước vẫn chưa cao. Ví dụ như VinEco về trường Học viện Nông nghiệp tuyển người, còn trả cao hơn thế, nhưng cũng không mấy người bỏ Học viện Nông nghiệp để chạy theo họ. Chế độ đãi ngộ vật chất phải làm sao để các nhà khoa học có sáng chế, phát minh có thể sống đàng hoàng bằng chính hoạt động KH-CN của họ, họ phải trở thành tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Nếu chúng ta tiếp tục để các tiến sĩ trẻ đã có thành tích công bố quốc tế ở nước ngoài trở về lại phải lo dạy thêm và chật vật kiếm sống, không tập trung được vào chuyên môn, thì họ sẽ bị thui chột dần và rơi vào lối mòn của các đường mòn phi khoa học mà những người đi trước đã đi. Chúng ta cần phải dựa vào họ để đổi mới GD&ĐT, KH-CN Việt Nam, muốn vậy thì hãy đảm bảo với họ rằng nếu họ nghiên cứu khoa học đạt tới chuẩn mực quốc tế, họ sẽ được đảm bảo thu nhập đủ để không phải làm thêm ngoài chuyên môn, điều kiện làm việc tương ứng với tài năng, được xã hội vinh danh giống như các hiền tài thời xưa được khắc tên vào bia đá, và được thăng tiến trong nghề nghiệp.

Thứ ba là cần tạo ra cho các nhà khoa học môi trường làm việc, ở nghiên cứu viên, các trợ lý nghiên cứu và các nghiên cứu sinh cùng làm việc với nhau trong các phòng Lab với các trang thiết bị tương đối đồng bộ; ở đó vừa có tự do sáng tạo, vừa có cạnh tranh, vừa có trách nhiệm công dân của các nhà khoa học. Khi đã có một tập thể khoa học mạnh với môi trường làm việc chuyên nghiệp thì những khó khăn về tài chính sẽ được giải quyết, nhóm các nhà khoa học này sẽ liên tục nhận được các hợp đồng nghiên cứu khoa học của các khách hàng trong và ngoài nước, nhiều nhà khoa học và sinh viên nước ngoài tìm đến với họ, nhiều hội nghị khoa học quốc tế mời mọc họ. Ở một số trường đại học nước ta đã có những nhóm các nhà khoa học như vậy.

Như vậy là, môi trường làm việc sẽ tạo ra các nhóm làm việc và ngược lại: các nhóm làm việc này sẽ tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp của chính họ, tạo dựng nên uy tín nghề nghiệp của chính họ, từ đó mà hình thành các trường phái khoa học có tên tuổi. Môi trường tốt sẽ tạo ra tác phong tốt và ý thức tập thể trong nghiên cứu, nghiên cứu khoa học thời hiện đại không còn là công việc của một vài cá nhân xuất chúng hoạt động đơn lẻ như thời đại của Newton hay Einstein nữa.

Khi đã có cả ba thứ trên rồi, nhà khoa học vẫn rất cần đượcđầu tư xứng tầm; nghĩa là, ngay cả khi đã có định hướng đúng thì tất cả đều cần tiền bạc và thời gian, mẫu số chung của các trường đại học danh tiếng là đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho các nghiên cứu cơ bản (basic andfundamental) và nghiên cứu ứng dụng (applied). Còn chúng ta, nhà nước đầu tư cho KH-CN ít hay không ít? Nhiều ít cũng quan trọng, nhưng cung cách/phương thức đầu tư còn quan trọng hơn.

Về tổ chức nghiên cứu, trong khi hệ thống các viện nghiên cứu đang xơ cứng và cũ kỹ, rất cầnthành lập một số cơ sở nghiên cứumới để ở đó các nhà khoa họccó đủ điều kiện cho họ làm việc, gần như ở các nước phát triển; với mụcđíchlà đưa các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lên tầm cao mới, đủ khả năng công bố quốc tế, đủ khả năng có những sáng chế, phát minh, đồng thời chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ nghiên cứu nòng cốt cho tương lai. Cơ chế hoạt động của các cơ sở nghiên cứu này phải hoàn toàn khác so với các cơ sở hiện có trong nước, phải có cơ chế quản lý riêng và phương thức đầu tư riêng. Trong thực tế, Đại học Harvard của Mỹ hay Đại học Kyoto của Nhật bản suy cho cùng cũng chỉ là một series của những nhóm nghiên cứu như thế.

www.khoahocphattrien.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ