SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Techfest 2018: Kết nối quốc tế theo chiều sâu

[26/11/2018 09:00]

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2018 (TECHFEST 2018) sẽ không chỉ dừng lại là một sự kiện để “startup vụt sáng” và cũng sẽ không chỉ tập trung vào kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong nước.

Trong và sau sự kiện, sẽ có hai sáng kiến của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (NATEC) và Văn phòng Đề án 844 thuộc Bộ KH&CN được triển khai, nhằm nâng cao năng lực của startup Việt Nam tiếp cận với thị trường và hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) trên thế giới, mà tập trung trước hết là tại Đông Nam Á.

Hai sáng kiến này bao gồm Chương trình trao đổi startup quốc tế và Điểm kết nối dịch vụ cho startup. Những người đứng sau hai sáng kiến này cho rằng, từ trước đến nay, đã có nhiều nỗ lực từ phía tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận kết nối các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước với nhau, với sự ra đời của một loạt chương trình đào tạo startup, nhà đầu tư, huấn luyện viên khởi nghiệp. Hơn nữa đề án 844 đã có mặt ở 30 tỉnh. Vì vậy, đây là lúc để họ kết nối cộng đồng trong nước với toàn cầu.

Chương trình trao đổi startup quốc tế

Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại TECHFEST Việt Nam, có sự tham gia của các nước thuộc khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào, Brunei, cùng một số quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Đức, Hàn và các tổ chức quốc tế như ADB và UNDP. Tại Diễn đàn, lãnh đạo cơ quan các quốc gia và lãnh đạo các tổ chức toàn cầu sẽ chia sẻ chính sách hỗ trợ của mình trong quá trình xây dựng HSTKN, đồng thời mở ra các phiên đối thoại về giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp ở địa phương.

Khác với nhiều sự kiện tương tự chỉ đơn thuần dừng ở mức chia sẻ kiến thức, Ban tổ chức của TECHFEST 2018 đã tiến thêm một bước nữa bằng việc có những hành động cụ thể tiếp diễn ngay sau chương trình. TECHFEST sẽ không chỉ dừng lại ở những giải pháp cho từng nước xây dựng tốt HSTKN ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương mà còn chỉ ra cách thức “để các nước chung tay phát triển HSTKN cùng nhau”.

Theo Ban tổ chức TECHFEST 2018, các đối tác quốc tế đến với diễn đàn năm nay đã có sẵn những ý định và kế hoạch được thỏa thuận trước để ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong Diễn đàn cấp cao – đảm bảo tạo ra kênh hội nhập quốc tế thuận tiện hơn ngay sau Ngày hội.

Trên cơ sở đó, chương trình trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) hai chiều giữa các quốc gia sẽ được khởi động tại TECHFEST 2018. Sáng kiến này được phát triển dựa trên Chương trình trao đổi doanh nghiệp Runway To The World của Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh- SIHUB.

Theo đó, SIHUB tuyển chọn một số DNKN có triển vọng từ TP Hồ Chí Minh để gửi đi các nước có HSTKN mạnh trên thế giới để học hỏi dưới sự dẫn dắt của các cố vấn bản địa, và chinh phục thị trường mới. Ngược lại, TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận các DNKN nước ngoài tương ứng để hỗ trợ họ trong quá trình tìm hiểu và khai thác thị trường ở Việt Nam. Hai tổ chức hợp tác sẽ cùng nhau tuyển chọn startup, chia sẻ nơi làm việc, kết nối nhà cố vấn, quỹ đầu tư và các chương trình đào tạo bằng cách trao đổi.

Hiện nay, SIHUB đã trao đổi được một số startup từ Việt Nam ra nước ngoài và nhận các startup nước ngoài về Hồ Chí Minh thông qua ba đối tác là Shinhan Future’s Lab (Hàn Quốc), Trung tâm Phát triển Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Toàn Cầu MaGIC (Malaysia) và quỹ đầu tư Quest Ventures (Singapore). Theo phóng sự khởi động ý tưởng của SIHUB trên VTV1, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB chỉ ra điều quan trọng là chúng ta có cơ hội để “startup Việt nhúng mình vào hệ sinh thái của các nước bạn”.

T uy nhiên, cũng trong phóng sự, SIHUB nhận định trong khi các startup nước ngoài có thể thâm nhập ngay vào thị trường Việt Nam do đã được đào tạo từ các HSTKN chuyên nghiệp nhất thế giới, thì các startup Việt sẽ phải trải qua khóa huấn luyện ít nhất 3 tháng trước khi xuất ngoại bởi các startup Việt còn quá yếu về kỹ năng.

Để các chương trình, tổ chức quốc tế tìm hiểu thị trường Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn và thông tin để kết nối với các đối tác ở nhiều địa phương khác nhau và nhiều lĩnh vực khác nhau, NATEC đề xuất xây dựng chương trình trao đổi không chỉ ở một địa phương mà mang quy mô quốc gia. Cụ thể, NATEC sẽ là đầu mối để các tổ chức quốc tế khi có nhu cầu tìm hiểu môi trường Việt Nam có thể tiếp cận và giới thiệu họ đến với các đối tác phù hợp nhất trên khắp cả nước.

Dự kiến, trong TECHFEST 2018, NATEC sẽ ký kết hợp tác với Enterprise Singapore (Singapore), MaGIC (Malaysia), National Innovation Agency of Thailand (Thái Lan), German Accelerator Southeast Asia (Đức), và World Startup Festival (Mỹ). Đây đều là các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực khởi nghiệp hoặc các mạng lưới lớn, có tầm ảnh hưởng chủ chốt trong từng HSTKN ở mỗi quốc gia. Bản thân các đối tác trên không chỉ có hệ thống trong nước mà còn có các mạng lưới quốc tế rộng khắp.

Điển hình như Enterprise Singapore, cơ quan thuộc Bộ Thương mại công nghiệp Singapore, hiện có 36 trung tâm tại 21 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó SPRING Singapore – đơn vị cấu phần của Enterprise Singapore, chuyên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh, đã xây dựng được HSTKN đứng thứ 12 thế giới, kết nối được hơn 4,000 startup công nghệ, 130 vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp, 150 nhà đầu tư.

Một đối tác tiêu biểu khác là World Startup Festival – một nền tảng kinh doanh toàn cầu có trụ sở tại California, Mỹ, hiện đang là một siêu kết nối và vườn ươm của các DNKN trên 10 khu vực lớn trên toàn thế giới, hỗ trợ từ đào tạo, vốn, truyền thông cho đến tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế.

Dự kiến việc hợp tác giai đoạn đầu của chương trình trao đổi startup Việt Nam tập trung chủ yếu vào khu vực ASEAN –với 3 địa điểm chính là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Về cơ bản, các nước tham gia đều mong muốn những startup mang đến công nghệ hoặc dịch vụ mới có khả năng giải quyết những khoảng trống trong nhu cầu thị trường của mình.

Singapore hiện thừa vốn và quỹ đầu tư trong khi lại có quá ít startup, môi trường khởi nghiệp thuận lợi nhưng thiếu nguồn nhân lực, do đó, rất quan tâm đến việc khai thác thị trường và tận dụng nguồn nhân lực tài năng (Talent) của Việt Nam. Thời gian gần đây, Singapore đã bày tỏ ý muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp giữa hai nước và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Singapore trong việc mở rộng sang Việt Nam.

Malaysia là một quốc gia có ngành công nghiệp khởi nghiệp phát triển rất mạnh trong 3-4 năm qua, HSTKN được tổ chức một cách hệ thống và được hỗ trợ bài bản trong khi quy mô dân số tiếp cận Internet tăng nhanh. Các DNKN Malaysia đang có xu hướng tìm cách hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trong nhiệm vụ trở thành một Unicorn như Grab. Với đối tác Việt Nam, quốc gia này ưu tiên sự trao đổi doanh nghiệp hai chiều bình đẳng.

Thái Lan là một nước có HSTKN phát triển nhảy vọt trong vòng 6 năm qua với số lượng startup và nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, bất chấp dòng tiền đầu tư ngày càng cao, theo đại diện của Cơ quan Đổi mới sáng tạo Quốc gia Thái Lan, nhiều nhà đầu tư “đang cố gắng vật lộn để tìm kiến các startup đáng đầu tư”. Bởi vậy, bên cạnh việc phát triển hệ thống trong nước, Thái Lan tin rằng họ cần tìm kiếm những DNKN trưởng thành hơn từ khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy HSTKN tại đây.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, cùng nguồn nhân lực tài năng khiến nhiều nước mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thu hút nhân tài.

Trước đây, việc đưa startup Việt Nam ra nước ngoài mới chỉ mang tính chất sự kiện chủ yếu được giới thiệu trưng bày trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc trao đổi startup sắp tới sẽ được xây dựng thành chương trình cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, diễn ra trong vài tháng, được đàm phán điều khoản với các đối tác nước ngoài trên cở sở hai bên cùng có lợi. Các startup được trao đổi sẽ tham gia vào những chương trình hỗ trợ tốt nhất, có khả năng tinh chỉnh mô hình kinh doanh, tìm đối tác quốc tế và thương mại hóa ngay tại thị trường nước ngoài. Thách thức đặt ra cho các DNKN của Việt Nam là phải vươn tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để cạnh tranh với startup nước ngoài.

Điểm kết nối dịch vụ cho startup

Dấu ấn nổi bật thứ hai của TECHFEST 2018 là việc khởi động “Sáng kiến điểm kết nối dịch vụ cho các DNKH” (Startup Service Hub Initiative) trong hoạt động “Kết nối với HSTKN quốc tế” diễn ra vào chiều ngày 30/11.

Đây là một nền tảng nhằm liên kết các DNKN với những dịch vụ chất lượng cao từ các nhà cung cấp có uy tín mà thông thường họ không có đủ chi phí để tiếp cận. Các DNKN sẽ cần chứng minh năng lực của mình để được chấp thuận vào cổng kết nối, từ đó tiếp cận những lợi ích và được miễn phí hoặc ưu đãi chi phí sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, Văn phòng Đề án 844 đã thỏa thuận hợp tác được với một số tổ chức cung cấp dịch vụ quốc tế, bao gồm Deloitte Vietnam, OSAM International, Duane Morris Vietnam LLC và Phusjon Group. Đây đều là các tập đoàn cung cấp dịch vụ doanh nghiệp hàng đầu thế giới, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ tư vấn, luật, xây dựng chiến lược, giải pháp công nghệ cho đến kế toán, kiểm toán. Hướng đến thị trường toàn cầu(Global Market Reach) và chất lượng cao (High Quality) là ưu tiên khi chương trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ do điều đó sẽ giúp startup Việt Nam hướng đến thị trường quốc tế.

Startup Service Hub đã đưa các tập đoàn quốc tế lớn vào HSTKN của Việt Nam mà trước đây startup không phải là tập khách hàng mục tiêu của họ. Tuy nhiên, chương trình kết nối đã chỉ ra cơ hội để nhà cung cấp dịch vụ đồng hành cùng DNKN từ khi mới thành lập đến lúc lớn mạnh qua nhiều giai đoạn khác nhau. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng là lĩnh vực mới mẻ đối với các tập đoàn trên, và việc các đối tác sẵn sàng dành ra 1-2 năm để thử nghiệm với các DNKN là điều rất đáng quý.

Bên cạnh đó, đối với các nhà quản lý, Startup Service Hub được coi là một màng lọc quan trọng để phân loại nhu cầu của các DNKN. Từ trước đến nay, chúng ta đang thiếu một hệ thống dữ liệu để xác định doanh nghiệp đang ở giai đoạn phát triển (Stage) nào và cần những hỗ trợ cụ thể ra sao.

Hai chương trình trên, theo những người tổ chức, được cho là các dự án mang tính thử nghiệm để có những gợi ý chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tốt hơn, đặc biệt là để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước với thế giới. Chương trình trao đổi startup có thể sẽ là bước đầu để có những chính sách mở cửa cho những chuyên gia quốc tế sang Việt Nam, và cơ chế để hỗ trợ các startup “xuất ngoại”. Còn những dữ liệu thu được sáng kiến Startup Service Hub sẽ cho những nhà hoạch định chính sách một hình dung về nhu cầu và mức độ phát triển của các startup trong nước, mức độ hào hứng của các doanh nghiệp lớn trong việc hỗ trợ startup.

www.khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ