SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xuất khẩu gạo: Nhìn lại và hướng tới

[11/01/2019 09:10]

Chính sách “xoay trục” trong nông nghiệp đã làm thay đổi vị trí ưu tiên lúa gạo từ số 1 xuống số 2. Tuy có những lúng túng ban đầu, nhưng xuất khẩu gạo đã đổi mới, bứt phá, giành thắng lợi cả về cơ cấu và giá bán; tiếp tục khẳng định vai trò một loại nông sản chủ lực và bền vững trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

“Cởi trói”, bứt phá, tăng ấn tượng

Với sản lượng 43,9 triệu tấn lúa năm 2018 (tăng 1,2 triệu tấn so với năm 2017) thì giải pháp xuất khẩu gạo đạt mức cao, được giá hơn và hài hòa lợi ích là điều trăn trở. Vì lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP nhằm bãi bỏ những quy định không còn phù hợp để “cởi trói”, giúp doanh nghiệp rộng đường hơn khi xuất khẩu. Cũng từ “nút mở” này, ngành lúa, gạo Việt Nam đã có những chuyển biến lạc quan trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, giúp các địa phương nâng cao chất lượng lúa, gạo với ba khâu quan trọng: Tìm tạo giống mới chất lượng cao; tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa và công nghệ bảo quản, sấy khô, xay xát, nhằm tối ưu hóa và thương mại hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Từ “cởi trói” trong chính sách việc tổ chức sản xuất lúa, xuất khẩu gạo đã tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng lấy giá trị làm thước đo hiệu quả kinh tế, lấy thị trường (cầu) để điều chỉnh sản xuất (cung).

Từ “cởi trói” trong chính sách, doanh nghiệp rộng đường hơn khi xuất khẩu gạo.

Nhờ đó, đã làm cơ cấu và giá gạo xuất khẩu thay đổi tích cực theo chiều hướng giảm gạo trắng chất lượng trung bình, thấp xuống còn 2,07%; tăng gạo trắng chất lượng cao lên mức 51%, gạo Jasmine, gạo thơm 32%, gạo nếp 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật 5%… Tổng sản lượng gạo xuất khẩu năm 2018 đạt 6,13 triệu tấn, tăng 6% về lượng và 20% về giá. Hiện giá gạo xuất khẩu bình quân đạt mức 450 USD/tấn, cao hơn của Thái Lan 15 USD/tấn và của Ấn Độ 40 USD/tấn. Gạo của Việt Nam đã đến người tiêu dùng tại thị trường 150 quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ và bước đầu đã thâm nhập được vào thị trường khắt khe về tiêu chuẩn, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… Tuy sản xuất lúa, xuất khẩu gạo chưa vận hành và đạt như mong muốn, giá gạo thơm, gạo dẻo còn thấp so với gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ… nhưng chúng ta có quyền tự tin - Hạt gạo vẫn mãi là nông sản chủ lực.

Thị trường và ba mũi giáp công

Trong vòng 4 năm tới, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi các quốc gia thu mua lớn giảm khối lượng nhập khẩu, các quốc gia xuất khẩu gạo tăng cường bán ra. Ấn Độ sẽ giữ vững vai trò dẫn đầu xuất khẩu gạo toàn cầu vào năm 2019, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Mỹ. Dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành một nhân tố chủ chốt trên thị trường gạo thế giới.

Tại Việt Nam, sự liên kết, chuyển hướng xuất khẩu và hoạt động thương mại gạo đang diễn biến theo xu hướng mới. Đó là các hợp đồng Chính phủ dần ít đi, thay vào đó là các hợp đồng thương mại. Mục tiêu xuất khẩu gạo đến năm 2020, định hướng đến 2030: Tỷ trọng gạo trắng thường chiếm khoảng 25%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%; gạo nếp khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như: Gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo khoảng 10%. Để đạt mục tiêu trên, sản xuất lúa, xuất khẩu gạo cần có sự nỗ lực cao từ phía nhà nước, người dân và doanh nghiệp, với “ba mũi giáp công”, đó là: Đổi mới thể chế quản lý và chính sách sản xuất lúa, gạo theo hướng trọng chất lượng; nâng cao chất lượng gạo thông qua nghiên cứu lai tạo, chọn lọc giống để đáp ứng sự thay đổi tiêu dùng; xây dựng thương hiệu Quốc gia gạo Việt Nam.

Để tăng khả năng nhận diện, tiếp thị, cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu và nội địa, tăng hiệu quả sản xuất và giá trị gạo, việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ thị trường, từ nhu cầu người tiêu dùng, từ các yếu tố tác động đến sản xuất và thương mại. Bản sắc của thương hiệu gạo Quốc gia phải dựa trên sự tập hợp phong phú và đa dạng về chất lượng của các sản phẩm gạo bản địa, kèm theo một hệ thống kiểm soát chất lượng tối ưu từ trung ương đến địa phương và dọc theo chuỗi giá trị, đảm bảo cho vị thế, uy tín và sự tin cậy của người tiêu dùng trên thế giới đối với hạt gạo Việt Nam.

 

Theo congthuong.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ