SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giá tôm xuất khẩu khó bật tăng

[31/01/2019 16:40]

2018 là một năm không thành công của XK tôm vì giá giảm mạnh trên toàn thế giới, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng XK của cả ngành thủy sản. Trong năm nay, liệu XK tôm có khả quan hơn?

Nguồn cung vẫn dồi dào

Giá tôm XK năm 2018 giảm mạnh trước hết là do nguồn cung tăng cao trên thế giới ở mức cung vượt cầu. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, thời tiết đầu năm 2018 không thuận lợi, các nước Mỹ, Canada… có bão tuyết khiến cho lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể. Điều này làm cho tôm ở những thị trường này bị tồn kho khá nhiều, kéo theo lượng hàng tồn kho tăng cao ở các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Trung Quốc siết chặt lại việc NK tôm qua đường tiểu ngạch, do đó, một lượng tôm không nhỏ có nguồn gốc từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… không thể vào Việt Nam để đi tiểu ngạch sang Trung Quốc như trước nữa, làm tăng tồn kho tôm nguyên liệu ở những nước này.

Thu hoạch tôm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Khi các nước nuôi tôm lớn như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia… vào vụ thu hoạch, cả nông dân và nhà máy chế biến đều muốn bán được hàng, nên giá tôm trên thị trường giảm. Khi không bán được hàng, người bán tiếp tục giảm giá xuống, do đó đã tạo ra tâm lý đợi giá tôm “giảm đến đáy” của người mua… Những yếu tố đó đã làm cho giá tôm giảm mạnh trên toàn cầu, trong đó, giá tôm ở Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam giảm liên tục trong nhiều tháng của năm 2018.

Trong năm nay, sản lượng tôm thế giới sẽ ra sao? Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), năm 2019, tình hình không khác nhiều so với năm 2018. Dự báo thời tiết nóng vì ảnh hưởng của El Nino sẽ tạo thuận lợi cho việc nuôi tôm. Trong khi đó, đến thời điểm này, chưa thấy có dự báo nào về nguy cơ dịch bệnh trên tôm. Vì vậy, nguồn cung tôm toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu từ Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam, qua đó khiến cho giá tôm tiếp tục ở mức thấp.

Phải kiểm soát chặt kháng sinh trên tôm

Như vậy, có thể thấy, trong năm nay và những năm tới, cạnh tranh trên thị trường tôm thế giới sẽ ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, để tôm Việt Nam tiếp tục đứng vững trên thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp quan trọng như đầu tư mạnh vào chế biến sâu, giảm giá thành tôm nuôi…, một trong những yếu tố quan trọng là tăng cường ATTP, nhất là kiểm soát kháng sinh trên tôm.

Theo ông Lê Văn Quang, việc trộn kháng sinh vào thức ăn không có tác dụng phòng trị bệnh cho tôm, nhưng do tâm lý sợ tôm nuôi bị bệnh, nhiều nông dân vẫn đang làm theo cách này. Do đó, kháng sinh trên tôm nguyên liệu vẫn đang là nỗi lo lớn đối với các nhà chế biến, XK tôm Việt Nam vì làm tăng đáng kể giá thành tôm thành phẩm và nguy cơ bị mất thị trường.

Lâu nay, các thị trường lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, EU… kiểm soát rất gắt gao về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. Để kiểm soát được vấn đề kháng sinh trên tôm XK sang những thị trường này, Minh Phú đã và đang phải đầu tư các phòng Lab kiểm kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí lên tới 10 tỷ đồng/phòng. Trong thời gian tới, Minh Phú phải đầu tư thêm 3-5 phòng Lab ở vùng nguyên liệu mới kiểm kịp thời. Chi phí kiểm kháng sinh cho 1 kg nguyên liệu rất cao, lên tới 6.000 đồng, vì phải làm nhiều lần: trước khi thu hoạch, sau khi thu hoạch, khi về tới nhà máy. Quy ra 1 kg tôm thành phẩm tốn khoảng 9.000 đồng cho chi phí kiểm kháng sinh. Như vậy làm tăng cao giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các nước khác.

Ông Quang cho rằng, nếu không làm mạnh mẽ việc cấm sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm ngay từ bây giờ, để đến lúc Mỹ, EU và các thị trường quan trọng khác cấm cửa với tôm Việt Nam vì dự lượng kháng sinh, thì sẽ không biết bán tôm đi đâu.

Theo nongnghiep.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ