SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chiết xuất, phân lập một số saponin từ lá cây đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harm) trồng tại An Giang

[21/04/2019 09:23]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Văn Mãi, Nguyễn Tấn Phát, Trần Công Luận - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tây Đô, Học viện Khoa học & Công nghệ - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Công nghệ Hóa học-Viện KH&CN Việt Nam thực hiện.

Ảnh minh họa: Internet

Cây đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) là một cây thuốc quý có tác dụng bổ khí, lợi sữa, giải độc; điều trị suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh, tiêu hóa kém. Đinh lăng có chứa 2 nhóm hợp chất chính và quan trọng là hợp chất saponin và polyacetylen. Hiện đã phân lập được hơn 12 saponin triterpen và 5 hợp chất polyacetylen trong lá và rễ đinh lăng. Nghiên cứu này trình bày kết quả phân lập và xác định cấu trúc 3 saponin triterpen từ cao n-butanol của lá cây đinh lăng.

Đinh lăng (Polyscias fruticosa L. Harms) là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu hạn, chịu nóng nhưng không chịu ngập úng; sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát; và trồng được quanh năm. Thời vụ trồng tốt nhất là mùa xuân. Cây ra hoa từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm (Phạm Hoàng Hộ, 2003). Đinh lăng có tác dụng hồi phục sức khỏe, chống stress, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể, giảm rối loạn tiền đình, phòng chống nhiễm ký sinh trùng sốt rét, bức xạ siêu cao tầng (Nguyễn Thị Thu Hương và cs., 2001). Đinh lăng còn có tác dụng kháng viêm, giảm đau, chống xơ vữa động mạch dựa trên tác dụng hạ cholesterol toàn phần và lipid toàn phần trong huyết thanh. Có tác dụng kháng khuẩn và kháng tốt trên các chủng Gr (+) như Staphylococcus, yếu ở vi khuẩn Gr (-) và nấm mốc.

Nguyên liệu được sử dụng là lá cây đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harm) được cung cấp bởi Trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên, trồng tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tháng 11 năm 2016, loại cây 3 năm tuổi. Căm cứ vào đặc điểm hình tháo của mẫu nghiên cứu, sử dụng khóa phân loại chi Polyscias, đối chiếu với các tiêu bản và bản mô tả loài được PGS.TS Trần Công Luận định danh xa1g định tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp xác định cấu trúc và chiết xuất bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), sắc ký lớp mỏng (TLC), sắc ký cột pha thường, pha đảo và diaion HP-20.

Kết quả nghiên cứu đã phân lập và nhận danh cấu trúc ba triterpene saponin là: Ladyginosid A, acid 3-O-[β-D-glucopyranosyl-(1à4)]-b-D-(6-O-methyl)glucuronopyranosyloleanolic, 3-O-b-D-glucuronopyranosyloleanolic 28-O-β-D-glucopyranosyl ester. Hợp chất acid 3-O-[β-D-glucopyranosyl-(1à4)]-b-D-(6-O-methyl)glucuronopyranosyloleanolic là lần đầu tiên được tìm thấy trong lá cây đinh lăng so với những nghiên cứu trước đây.

Tạp chí Dược học số 02/2019 (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ