SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định các thông số để xây dựng quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu lá tía tô

[03/05/2019 14:00]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Lan (Khoa Công nghệ thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam), Bùi Quang Thuật (Trung tâm Dầu, Hương liệu và Phụ gia thực phẩm, Viện Công nghiệp thực phẩm) và Lê Danh Tuyên (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thực hiện.

Cây tía tô là một trong những cây gia vị phổ biến, lâu đời và được trồng rộng rãi ở nhiều nước Châu Á, đặc biệt là ở các nước Đông Á. Tinh dầu tía tô có trong các bộ phận của cây tía tô, tuy nhiên, tinh dầu tập trung chủ yếu ở lá và chồi hoa (chứa 0,3-1,3%) tinh dầu theo trọng lượng chất khô. Ở thân và cành cây, lượng tinh dầu rất thấp (0,05%). Tinh dầu tía tô có vị hơi cay, hương tía tô đặc trưng, thường được khai thác chủ yếu từ lá và chồi hoa bằng phương pháp chưng cất hơi nước. Với hoạt tính sinh học và dược lý cao, tinh dầu lá tía tô có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực thực phẩm, y học và mỹ phẩm. Tinh dầu tía tô có ưu điểm là chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ, hoạt tính cao, an toàn cho sức khỏe và có thể áp dụng cho các loại thực phẩm ở mọi giá trị pH.

Ảnh minh họa: sưu tầm

(Nguồn: internet)

Nghiên cứu được thực hiện trên lá tía tô với hàm lượng tinh dầu 0,76% theo chất khô nhằm mục đích xác định chế độ xử lý nguyên liệu và các điều kiện công nghệ chưng cất tinh dầu thích hợp. Thời gian lưu trữ lá tía tô thích hợp nhất cho chưng cất tinh dầu trong vòng 48 h kể từ lúc thu hái và độ mịn của nguyên liệu là 2,0<d£4,0 mm. Các điều kiện công nghệ thích hợp cho quá trình chưng cất như sau: áp suất hơi 2 atm; tỷ lệ khối lượng nguyên liệu/thể tích thiết bị 0,40 kg/l; tốc độ chưng cất 30%; nhiệt độ nước ngưng 40°C; thời gian chưng cất 180 phút. Hiệu suất thu nhận tinh dầu đạt 95,35%. Sản phẩm tinh dầu thu được có hương tía tô đặc trưng với các thành phần chính như: perilla aldehyde (38,99%), perilla alcohol (23,71%), a-zingiberene (6,22%) and β-caryophylene (5,63%), có thể được sử dụng như chất tạo hương thơm cho các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 3/2018 (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài