SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hàng hóa thế mạnh là ‘bàn đạp’ giúp doanh nghiệp tiến chân vào RCEP

[03/06/2019 16:34]

“Doanh nghiệp trong quá trình đàm phán cần chú trọng đến các tiêu chí ưu tiên, các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, hay các sản phẩm mà đối tác nhập khẩu lớn, các ưu đãi thuế... để đem lại lợi ích cho mình”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI.

Đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 06 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) bắt đầu từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Khi hoàn tất, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Thị trường khổng lồ

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, với 50% dân số thế giới; đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng thương mại của thế giới.

“Đặc điểm người tiêu dùng của RCEP phần lớn không quá khó tính, trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến...”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, bà Thu Trang thừa nhận hiện có nhiều doanh nghiệp vẫn quan ngại về Hiệp định. Đó là, trong các nước tham gia đàm phán ký kết, có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam; các thị trường cũng có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa. Cùng với đó, nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt ở các thị trường mà các đối tác chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) chéo.

“Doanh nghiệp cho rằng Hiệp định RCEP có thể không đạt được kỳ vọng về thị trường xuất khẩu, với các lý do như: các ưu đãi thuế quan không được cải thiện, việc mở cửa dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh còn dè dặt, các hàng rào phi thuế quan ít được cải thiện, cạnh tranh gay gắt hơn với các đối tác RCEP...”, bà Trang nhấn mạnh. 

Ưu tiên các sản phẩm thế mạnh

Vì vậy, bà Thu Trang cho rằng doanh nghiệp không thể trông chờ vào RCEP để tránh xu hướng bảo hộ thương mại thế giới và cũng không thể trông vào RCEP để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Doanh nghiệp trong quá trình đàm phán cần chú trọng đến các tiêu chí ưu tiên các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, hay các sản phẩm mà đối tác nhập khẩu lớn, các ưu đãi thuế... để đem lại lợi ích cho mình.

Doanh nghiệp cũng cần mở cửa phân nhóm các đối tác với các định hướng khác nhau. Phải tiếp cận theo tiêu chí ưu tiên về những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, sản phẩm đối tác nhập khẩu lớn cũng như những ưu đãi thuế hiện có.

Đồng thời, phải hướng tới việc kéo mặt bằng quy tắc trong đàm phán cao lên - phù hợp với mặt bằng của Việt Nam sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được ký kết.

Thanh Minh

 

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ