SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết nối cung cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ

[21/06/2019 09:21]

Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ (CN) là một trong những giải pháp quan trọng phát triển thị trường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp (DN), đơn vị, tổ chức có nhu cầu đổi mới CN và những nhà nghiên cứu, nhà sở hữu CN, từ đó chuyển giao, ứng dụng CN nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới một cách hiệu quả nhất.

Thành phố Cần Thơ là nơi đặt điểm kết nối cung cầu CN cho toàn vùng ĐBSCL.

Theo thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN), hiện nay, cả nước đã có 8 điểm kết nối cung - cầu CN tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội (2 điểm), TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Nghệ An, Đắk Lắk và Cần Thơ. Trong năm 2018, các điểm kết nối cung - cầu CN đã tổ chức 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung cầu; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KHCN; ký kết thành công 10 hợp đồng chuyển giao CN với tổng trị giá gần 5 tỉ đồng…

Ngoài ra, hiện nay còn có 40 nhu cầu CN của 30 DN với giá trị đầu tư trên 170 tỉ đồng đang được giới thiệu thông qua các điểm này. Năm 2019, Bộ KH-CN sẽ thành lập mới 3 điểm kết nối cung - cầu CN tại các tỉnh thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai. Riêng Hải Phòng, điểm kết nối đã thành lập và đi vào hoạt động vào cuối tháng 4/2019. Đây sẽ là nơi lan tỏa và kết nối kịp thời các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng với các điểm kết nối trên cả nước, phục vụ hoạt động tư vấn, đánh giá, lựa chọn, liên kết, hợp tác ứng dụng, chuyển giao và đổi mới CN, qua đó đẩy nhanh việc ứng dụng các CN mới, tiên tiến, hiện đại vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của DN.

Tại các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP. Cần Thơ cũng là nơi đặt điểm kết nối cung cầu CN cho toàn vùng. Theo ông Trần Thế Như Hiệp - Trưởng Phòng Khoa học, hợp tác quốc tế - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN TP. Cần Thơ - điểm kết nối hoạt động ở 3 mảng chính: công nghệ, thiết bị/máy móc công nghệ; các sản phẩm làm ra từ công nghệ; cơ sở dữ liệu về công nghệ. Đây là những sản phẩm được tập hợp từ 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Cụ thể như tỉnh Hậu Giang với dược liệu (nấm linh chi, trà), công nghệ cấy mô, phân vi sinh; Bến Tre với công nghệ làm ra đông trùng hạ thảo, men thạch dừa, chế phẩm sinh học môi trường… Những sản phẩm này làm ra từ công nghệ mà Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tiếp nhận được từ các dự án, chương trình nghiên cứu của địa phương hoặc chương trình chuyển giao công nghệ.

Đến nay thông qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Cần Thơ cũng đã ký kết nối thực hiện hợp tác với 3 đơn vị là: Trung tâm DN Hội nhập và phát triển IDE sẽ giúp Cần Thơ triển khai các hoạt động cấp giấy chứng nhận và quản lý hệ thống thông tin sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm sạch cho vùng; Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại Thiết kế Bách Việt (TP. Hồ Chí Minh), đơn vị chuyên về lĩnh vực thiết kế và thương mại dịch vụ các sản phẩm cơ khí CN cao tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; Công ty Cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh) sẽ chuyển giao các thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật cho đồng ruộng...

Ngoài các điểm kết nối cung - cầu CN, hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) cũng được tổ chức hằng năm, luân phiên ở các tỉnh, thành phố lớn đã và đang mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng, đổi mới CN và phát triển thị trường KHCN.

Để thúc đẩy thị trường KHCN phát triển, thời gian qua Bộ KHCN cũng tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và khuyến khích thành lập, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KHCN, cụ thể như Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao... Triển khai các chương trình quốc gia về KHCN như Chương trình phát triển thị trường KHCN, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam”, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ... nhằm triển khai hoạt động KHCN theo cơ chế thị trường, thúc đẩy kết nối cung - cầu CN, hỗ trợ các hoạt động dịch vụ, tư vấn, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Thanh Thanh

www.baocongthuong.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ