SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác động của bổ sung kẽm đến tình trạng mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp và tiêu chảy trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng tại xã Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế

[15/07/2019 14:07]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Phúc Thu Trang, Nguyễn Thị Dạ Thảo, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Phan Ngọc Bích, Hồ Lý Minh Tiên, Lê Hữu Dũng - Bộ môn Nhi Đại Học Y Dược Huế thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) là 2 bệnh thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng (SDD) và làm nặng thêm tình trạng SDD khi trẻ bị bệnh. Các nghiên cứu cho thấy kẽm là vi chất làm tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ bị SDD thường kèm theo với tình trạng thiếu kẽm và chính vì vậy làm cho trẻ SDD càng dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng. Vậy việc bổ sung kẽm cho trẻ SDD sẽ làm giảm sự mắc bệnh tiêu chảy và NKHHCT cho trẻ? Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của bổ sung kẽm đến tình trạng mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ SDD; đánh giá hiệu quả của bổ sung kẽm đến tình trạng mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ SDD.

Nghiên cứu trẻ < 5 tuổi bị SDD tham gia tại điểm giáo dục phục hồi dinh dưỡng (GDPHDD) tại xã Hương Hồ trong thời gian nghiên cứu, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn chọn vào nghiên cứu ở trên. Số trẻ trong nghiên cứu là 129. Phương pháp chọn mẫu thuận lợi, đảm bảo các yêu cầu sau: 2 nhóm trẻ được chọn vào nghiên cứu với số lượng tương đồng cho mỗi nhóm: nhóm can thiệp kẽm và nhóm đối chứng. 2 nhóm phải có sự tương đồng ban đầu về giới, mức độ SDD, độ tuổi. Phác đồ can thiệp: Nhóm chứng: Trẻ nhóm này sẽ đến tại các điểm GDPHDD để ăn các bữa ăn mẫu 1 tuần 2 buổi. Không được can thiệp kẽm. Nhóm can thiệp kẽm: ngoài 1 tuần 2 buổi đến ăn tại các điểm GDPHDD mỗi trẻ được bổ sung viên kẽm 10mg kẽm nguyên tố/ngày trong thời gian 1 tháng. Loại kẽm sử dụng: kẽm gluconat (FARZINCOL) do Công Ty Cổ phần Dược phẩm Dược liệu PHARMEDIC sản xuất. Thu thập số liệu hàng tuần điều tra viên đến tại các điểm GDPHDD để ghi nhận tình trạng mắc bệnh của trẻ và theo dõi tiến triển của bệnh. Nếu trẻ không đến tại các điểm GDPHDD, điều tra viên sẽ đến tại nhà để khám và đánh giá tình trạng bệnh. Thời gian theo dõi 6 tháng. Xử lý số liệu theo chương trình Medcal (MedCalc Software for windows; version 4.31.010, Belgium).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 6 tháng theo dõi tình trạng mắc bệnh tiêu chảy và NKHHCT ở trẻ SDD được bổ sung kẽm cho thấy: Bổ sung kẽm cho trẻ SDD đã có sự cải thiện đến tình trạng mắc bệnh chung của NKHHCT và tiêu chảy: theo dõi 6 tháng có 24,6% trẻ nhóm can thiệp bị mắc bệnh trong khi nhóm chứng tỷ lệ này là 43,7% (p<0,05). Thời gian tiêu chảy trung bình/đợt của nhóm được bổ sung kẽm ngắn hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng (4,1±0,8) ngày so với (6,0±1,4) (P<0,01). Không có sự khác biệt về số đợt tiêu chảy trung bình, tần suất tiêu chảy giữa nhóm chứng và nhóm can thiệp. Chưa thấy có sự khác biệt về số đợt nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, tần suất bị bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính giữa nhóm bổ sung kẽm và nhóm đối chứng.

Tạp chí Nhi khoa, số 5/2012 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ