SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng phát triển quà lưu niệm du lịch ở thành phố Cần Thơ

[18/07/2019 09:54]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Tú Trinh và Khưu Ngọc Huyền - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, Nguyễn Huỳnh Kim Ngân - Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Khóa 40, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Thành phố Cần Thơ với điểm mạnh về vị trí địa lý được xem là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giao thông thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thích hợp cho phát triển du lịch với các loại hình khác nhau. Hoạt động du lịch năm 2017 khá ấn tượng với lượng du khách trong và ngoài nước khoảng 7,5 triệu lượt, tăng 41% so cùng kỳ 2016, tổng doanh thu từ du lịch hơn 2.897 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ (Nguyễn Thanh, 2018). Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được như kì vọng, thành phố Cần Thơ vẫn chưa giữ chân du khách ở lại lâu. Khách du lịch đến Cần Thơ tăng, nhưng khách lưu trú chỉ đạt khoảng 20-25%, chi tiêu cho hoạt động du lịch chỉ ở mức thấp. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chi tiêu du lịch là các hoạt động mua sắm khi đi du lịch, trong đó có quà lưu niệm. Có thể nói các hoạt động mua sắm trong du lịch là một trong những hoạt động chính (Kim and Littrell, 2001; Fairhurst et al., 2007), trong đó mua quà lưu niệm là một phần rất quan trọng của chuyến đi (Littrell et al., 1994; Lehto et al., 2004).

Theo Swanson et al. (2004), quà lưu niệm đã tồn tại hàng nghìn năm và khi nào mọi người còn tiếp tục đi du lịch thì quà lưu niệm sẽ tiếp tục là một phần quan trọng của sự trải nghiệm. Quà lưu niệm là một vật thể hữu hình có hình dáng cụ thể giúp thể hiện rõ ràng một kinh nghiệm du lịch mà chính du khách muốn lưu giữ (Anderson, 1993). Quà lưu niệm khác với vật kỷ niệm. Quà lưu niệm thường gắn liền với du lịch và được công nhận một cách rộng rãi. Trong khi đó, vật kỷ niệm chỉ được thừa nhận bởi người lưu giữ chúng (Gordon, 1986). Như vậy, quà lưu niệm có thể được hiểu là một thứ có giá trị tình cảm, là vật phản ánh được phần nào đặc trưng văn hóa của điểm đến, có giá trị về mặt văn hóa, tinh thần, giáo dục được mua - nhận như quà tặng và giữ để nhắc nhớ tới một người, một địa điểm, hoặc một sự kiện nào đó. Sản phẩm quà lưu niệm thường nhỏ gọn, dễ mang theo bên người, có mẫu mã đa dạng và được sản xuất trên nhiều chất liệu khác nhau.

Quà lưu niệm có vai trò thiết yếu trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là đối với các đối tượng như khách du lịch, điểm du lịch, các cơ sở sản xuất... Đối với khách du lịch, quà lưu niệm là một phần không thể thiếu trong chuyến đi, khách du lịch có thể mua quà lưu niệm làm quà tặng cho người thân, bạn bè,… hoặc lưu lại làm kỷ niệm cho chuyến đi của mình, quà lưu niệm góp phần mang lại giá trị tinh thần cho du khách. Đối với các điểm du lịch, quà lưu niệm làm đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn của điểm đến, quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn riêng của điểm đến góp phần giữ chân du khách, tăng nguồn thu cho ngành du lịch,… Đối với các cơ sở sản xuất, việc sản xuất quà lưu niệm góp phần tạo công việc cho người dân bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế cho vùng miền, đặc biệt là các vùng nông thôn; đáp ứng nhu cầu thị trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, các làng nghề thủ công; tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có góp phần bảo vệ môi trường; đóng góp phát triển du lịch bền vững của điểm đến…

Đặc biệt là quà lưu niệm được làm tại địa phương đóng vai trò rất lớn trong việc tăng thu nhập cho người dân bản địa (Healy, 1994). Chính vì vậy, quà lưu niệm giữ một vị trí khá quan trọng trong việc phát triển du lịch. Sản phẩm quà lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương hiệu quả. Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần truyền bá văn hóa dân tộc ra khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều công ty, cơ sở sản xuất quà lưu niệm trên địa bàn Cần Thơ không mặn mà đầu tư vì đầu ra nhỏ giọt. Nói cách khác, du khách đến Cần Thơ không bị hấp dẫn bởi các mặt hàng quà lưu niệm vì chưa có nhiều sản phẩm mang tính địa phương, đại diện cho văn hóa đặc trưng. Nhận thấy được sự cần thiết của quà lưu niệm trong việc phát triển du lịch, nghiên cứu “Thực trạng phát triển quà lưu niệm du lịch ở thành phố Cần Thơ” được thực hiện nhằm phân tích tình hình mua sắm cũng như đánh giá mức độ hài lòng của du khách đối với quà lưu niệm du lịch, đồng thời phân tích các yếu tố tác động đến quyết định mua, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển quà lưu niệm du lịch tại thành phố Cần Thơ.

Nguyên nhân khách du lịch không chọn mua quà lưu niệm

Nghiên cứu chủ yếu sử dụng dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn 100 khách du lịch đến Cần Thơ (30 khách du lịch quốc tế và 70 khách du lịch nội địa) nhằm phân tích thực trạng mua sắm cũng như đánh giá mức độ hài lòng của du khách đối với sản phẩm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố tác động đến quyết định mua quà lưu niệm của du khách bằng cách sử dụng phương pháp thống kê mô tả, cụ thể là tính giá trị trung bình của các nhân tố.

Quà lưu niệm có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, hơn hết quà lưu niệm góp phần tăng doanh thu ngành và tăng sức hấp dẫn, quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn riêng của điểm đến. Có khoảng 40% du khách sẽ chọn mua quà lưu niệm khi đến Cần Thơ, 41% du khách nhìn thấy quầy bán hàng lưu niệm tại điểm du lịch nhưng chỉ đi ngang qua, hoặc có ghé xem qua rồi đi tiếp. Nguyên nhân khiến du khách không chọn mua là do sản phẩm quá quen thuộc, sản phẩm quá đơn giản nhưng giá quá cao, sản phẩm không có gì độc đáo, sản phẩm không bắt mắt về màu sắc, mẫu mã, không có nhiều sản phẩm để lựa chọn, và khu trưng bày không thu hút. Đặc trưng nơi đến, mẫu mã và sự mới lạ của sản phẩm là những yếu tố mà người bán cần quan tâm. Các yếu tố thuộc về mức độ đa dạng độc đáo của sản phẩm, tính thẩm mỹ, sự dễ dàng trong vận chuyển, độ bền của sản phẩm được du khách đánh giá trong khoảng 3,34 đến 3,78 trên thang điểm 5. Kết quả này cũng chưa phải là cao, cần có các giải pháp phát triển quà lưu niệm, góp phần tạo lực hút cho du lịch Cần Thơ.

Mặc dù đã đạt được các kết quả nhất định trong việc phát triển các sản phẩm quà lưu niệm, thị trường quà lưu niệm hiện tại của ngành du lịch thành phố Cần Thơ còn gặp phải không ít khó khăn cần khắc phục. Dựa trên kết quả phân tích, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm góp phần phát triển sản phẩm quà lưu niệm của thành phố Cần Thơ. Trước tiên, cần đầu tư và phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Cần Thơ bằng cách tăng cường khai thác, tìm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống kết hợp khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống còn tồn tại của Cần Thơ như làng đan lưới Thơm Rơm, làng đan lợp Thới Long, làng hoa Thới Nhựt, làng chằm nón lá,… Bên cạnh đó, tổ chức thêm các hoạt động, chương trình tìm kiếm, sáng tạo sản phẩm lưu niệm cho các nghệ nhân, các doanh nghiệp và cũng có thể là những bạn trẻ yêu thích sáng tạo, từ đó bày bán các sản phẩm lưu niệm đã được bình chọn thông qua các cuộc thi này. Ngoài ra, các nhà sản xuất và các điểm bán hàng cần điều chỉnh giá bán phù hợp với quy mô kinh doanh, chất liệu sản phẩm và phân khúc khách hàng, tránh tình trạng chặt chém du khách. Đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường quà lưu niệm Cần Thơ, thông qua các lễ hội, hội chợ nhằm quảng bá hình ảnh, con người Cần Thơ với các tỉnh lân cận và thế giới. Từ đó đưa sản phẩm quà lưu niệm Cần Thơ đến với khách du lịch trong và ngoài nước một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt là tăng cường các mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các điểm phân phối hàng lưu niệm cũng như các công ty du lịch, các nhà hàng, khách sạn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới du khách nhanh nhất và có hiệu quả nhất. Các hoạt động nghiên cứu thị hiếu khách hàng cũng cần được tiến hành để có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng phối hợp với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, khả năng giao tiếp ứng xử phù hợp với môi trường làm việc, trình độ ngoại ngữ tốt để có thể giới thiệu sản phẩm với khách quốc tế.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 6-Phần C (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ