SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác động của khả năng vượt khó đến hiệu quả học tập, chất lượng cuộc sống, chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên khối ngành kinh tế - trường Đại học Trà Vinh.

[21/07/2019 16:49]

Các trường đại học ở Việt Nam đã phải đối mặt với sự gia tăng nhu cầu về cải tiến chất lượng và hiệu quả đào tạo các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, mức độ thành công của các chương trình, chất lượng và hiệu quả đào tạo được quyết định bởi khả năng vượt khó của sinh viên trong học tập và đánh giá của sinh viên trong giáo dục đại học.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, yêu cầu chất lượng lao động không ngừng được nâng cao. Đó là lí do Trường Đại học Trà Vinh nói riêng và các trường đại học trên cả nước nói chung không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo nhằm cung cấp cho thị trường lao động những sinh viên có kiến thức, kĩ năng đạt chất lượng để sinh viên ra trường có được việc làm và thành đạt. Những năm qua, Trường Đại học Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, kết quả đầu ra của sinh viên hầu như chưa được cải thiện, đặc biệt là sinh viên đang theo học các khối ngành Kinh tế. Thật vậy, số lượng sinh viên nhập học khối ngành Kinh tế của Trường Đại học Trà Vinh những năm gần đây đều tăng đáng kể. Tuy nhiên, số lượng sinh viên hoàn thành chương trình học và có việc làm ngay vẫn còn nhiều thách thức, tỉ lệ có việc làm ngay sau khi ra trường trung bình khoảng 90%. Rõ ràng, chất lượng đầu ra của sinh viên không chỉ do sự nỗ lực từ phía nhà trường mà còn do khả năng của sinh viên, đặc biệt là tinh thần học tập và lí trí của họ.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm kiểm định mối quan hệ của khả năng chịu khó và hiệu quả học tập, chất lượng cuộc sống, chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM) với mẫu khảo sát gồm 341 sinh viên khối ngành kinh tế tại Trường Đại học Trà Vinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng vượt khó có tác động dương đến hiệu quả học tập, chất lượng cuộc sống, chất lượng cuộc sống đại học. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng cam kết, khả năng kiểm soát, khả năng thách thức có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vượt khó, trong khi yếu tố giảng viên có tác động mạnh nhất đến chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên. Nghiên cứu này cũng đóng góp một số hàm ý nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy và thúc đẩy sinh viên rèn luyện khả năng vượt khó, thái độ học tập nghiêm túc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng vượt khó là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, chất lượng cuộc sống của sinh viên và chất lượng cuộc sống đại học. Trong đó, khả năng vượt khó chịu ảnh hưởng của yếu tố khả năng kiểm soát, khả năng cam kết, khả năng thách thức. Chất lượng cuộc sống đại học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bốn nhóm nhân tố gồm chất lượng giảng viên, chất lượng các phương tiện, tiện ích dịch vụ, chất lượng các hoạt động ngoại khóa, trong đó yếu tố giảng viên có tác động mạnh nhất. Như vậy, để duy trì hiệu quả học tập, chất lượng cuộc sống, chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên được tốt, chúng ta cần phải có các giải pháp nâng cao khả năng chịu khó của sinh viên. Từ đây, bài viết có một số đề xuất đối với sinh viên và Nhà trường như sau: - Khả năng cam kết có ảnh hưởng mạnh nhất đến sự chịu khó, hay nói cách khác, khả năng cam kết ảnh hưởng mạnh nhất đến hiệu quả học tập, chất lượng cuộc sống và chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên. Việc đào tạo theo hướng tạo cảm hứng, nâng tầm tư duy, tăng khả năng tự tư duy đa chiều, tư duy phản biện độc lập và khả năng bảo vệ chính kiến. Từ đó, chúng ta tạo cho sinh viên một nền tảng tư duy, nhận thức về chính bản thân và năng lực bản thân. Để làm được những điều này, Nhà trường cần chú trọng đến các phương pháp thực hành và điều hướng về khả năng tự tư duy, làm chủ hành vi của sinh viên. Nhà trường cần nghiên cứu áp dụng một số phương pháp đào tạo mới, theo hướng đào tạo tư duy, chủ động, tích cực tự học đối với sinh viên; thay đổi các phương pháp giáo dục truyền thống như xoay quanh việc học bài, trả bài trên giảng đường mà thay vào đó khuyến khích các phương pháp nghiên cứu, xây dựng tổ chức nhóm sinh viên nghiên cứu, sinh viên tự học. Các giáo trình xây dựng theo hướng đồ án sáng tạo, thay vì khung điểm cố định. Hơn thế nữa, nghiên cứu thay đổi nội dung các giáo trình học cho phù hợp với phương pháp sinh viên tự nghiên cứu, tự học, sinh viên là trọng tâm, giảng viên chỉ đóng vai trò là người điều hướng, hướng dẫn, chỉ đường thay vì là người cầm tay chỉ việc như lúc trước. Quan trọng hơn chính là phía sinh viên, kết quả nghiên cứu này cũng gửi đến sinh viên về thái độ quyết định đối với thành công trong học tập và cuộc sống của một sinh viên. Một thái độ nghiêm túc, có mục tiêu rõ ràng và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đạt được mục tiêu sẽ giúp sinh viên đạt được thành công. - Khả năng kiểm soát và khả năng vượt qua thử thách cũng tác động đến sự thành công trong cuộc sống và học tập của sinh viên. Để sinh viên có được những kĩ năng kiểm soát hành vi, có khả năng vượt qua các thách thức khó khăn, sự cần thiết phải được rèn luyện qua nhiều tình huống. Vậy nên, Nhà trường cần tăng cường nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa, khuyến khích xây dựng câu lạc bộ, đội nhóm theo từng phân ngành, khoa, gia tăng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động đào tạo kĩ năng, các buổi tọa đàm và trao đổi với những doanh nhân và người có ảnh hưởng để góp phần tạo động lực và tạo nguồn cảm hứng cho sinh viên rèn luyện bản thân để đạt được thành công. - Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhóm nhân tố chất lượng giảng viên trong thang đo chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên. Hàm ý, khả năng vượt khó của sinh viên càng cao, sự tương tác và mức độ yêu cầu của họ đối với chất lượng của các giảng viên càng lớn. Sự tương tác giữa các giảng viên và sinh viên đóng một vai trò quan trọng tạo ra một chất lượng học tập, sống tốt hơn của các sinh viên. Do đó, sự cần thiết phải có những buổi đào tạo kĩ năng tương tác của các giảng viên, thay đổi tư duy của giảng viên về phương pháp đào đạo, rằng sự tương tác, sự quan tâm của họ đối với việc học của sinh viên là chìa khóa quan trọng giúp cho sinh viên có được một môi trường học tập thoải mái, dễ dàng tiếp thu nắm bắt kiến thức và do đó làm nâng cao chất lượng học tập của họ. Ngoài sự tương tác cần thiết, các giảng viên cũng áp dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy theo hướng công nghệ hóa để từ đó tăng giao tiếp, tăng tư duy sáng tạo và cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho sinh viên, thay đổi linh hoạt phương pháp truyền đạt đối với mỗi dạng sinh viên, đặc biệt là các sinh viên thụ động, từ đó xây dựng môi trường học tập mà sinh viên là trọng tâm.

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Thị Thu Diềm, Nguyễn Thị Thúy Loan, Phạm Thị Thu Hiền, Cô Hồng Liên - Khoa kinh tế, luật, Trường Đại học Trà Vinh thực hiện.

www.tckh.tvu.edu.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ