SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thủy sản, rau quả, đồ gỗ sẽ tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA

[02/08/2019 09:54]

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào năng lực sản xuất các ngành hàng chủ lực của Việt Nam và cam kết giảm thuế của EU trong EVFTA, dự báo trong top 5 các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có cơ hội tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA, có 3 mặt hàng nông nghiệp là thủy sản, rau quả và đồ gỗ.

Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

Theo Bộ Công Thương, EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, sản phẩm tôm sang EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30-35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba vào EU trong số các nước đang phát triển và tăng nhẹ từ năm 2016 tới nay. Năm 2016 trị giá xuất mặt hàng này đạt 683 triệu Euro (chiếm 3,42% nhập khẩu thủy sản của EU từ các nước ngoài EU). Đến năm 2018 tăng lên 761 triệu euro, chiếm 3,62%.

Từ nhiều năm nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn hẳn so với thịt, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thủy sản nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang EU còn rất lớn.

EVFTA sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với tôm. Sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm, cũng là lợi thế không nhỏ. Các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực ...) sẽ được giảm thuế nhập khẩu ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang có mức thuế 6-8%, sẽ giảm ngay về 0%; cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, TGĐ Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cho rằng, việc thuế nhập khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam được giảm xuống 0% trong vòng 3 năm tới sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn cho cá tra philê, đông lạnh và chế biến sâu của Việt Nam xuất khẩu sang EU, trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác.

Với ưu đãi về thuế quan so với các nước ngoài EU chưa có FTA như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia…, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng khá trong những năm tới đây sau khi EVFTA chính thực có hiệu lực.  

Lợi thế về giá cho rau quả

EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%.

Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Thu hoạch thanh long

Với lộ trình loại bỏ thuế tương đối dài áp dụng cho phần lớn các sản phẩm rau quả, EVFTA cho người sản xuất, kinh doanh rau quả Việt Nam đủ thời gian thích ứng với việc không còn hàng rào thuế.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU tuy liên tục tăng trưởng trong mấy năm qua nhưng vẫn còn rất khiêm tốn trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả (đạt 117 triệu USD năm 2018, chiếm khoảng 3%).

Vì vậy, EVFTA là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang EU. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe về kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất…, các doanh nghiệp phải tích cực xây dựng vùng nguyên liệu nhằm chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm.  

Cơ hội vàng cho ngành gỗ

EU là khu vực có tiềm năng lâm nghiệp lớn nhất thế giới như diện tích rừng 520 triệu ha, tổng sản lượng gỗ khai thác là 518,3 triệu m3, tổng giá trị tiêu dùng đồ gỗ đạt khoảng 95 tỷ USD, công nghệ và thiết bị chế biến gỗ của EU đứng hàng đầu với các thiết bị hiện đại nhất. Do đó, EVFTA là cơ hội vàng cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Ngành chế biến gỗ trong nước đang có nhiều cơ hội để phát triển.
Ảnh: Trung Hiếu.

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, đồ nội thất ( HS 94) của Việt Nam vào EU năm 2018 là 1,1 tỷ Euro (chiếm 3,85% giá trị nhập khẩu từ các nước ngoài EU). Con số này còn khá khiêm tốn so với dung lượng của thị trường này vào khoảng 27,1 tỉ euro trong năm 2018. Bởi vậy, tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ sang EU là rất lớn.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam và là thị trường quan trọng của ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt. 4 mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào EU gồm: đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng.

Ở chiều ngược lại, EU cũng là thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, đồng thời sẽ được giảm giá máy móc, thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ EU. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ EU. EVFTA cũng sẽ tạo ra môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU và Việt Nam nhiều hơn…

Một số điểm đặc biệt lưu ý

Muốn tăng trưởng, mở rộng thị phần xuất khẩu tại EU, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần chú trọng vào những vấn đề sau: Đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU; hết sức chú trọng vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định; coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất.

Đối với hàng thủy sản, ngoài những lưu ý trên, cần hết sức tuân thủ các quy tắc IUU về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký.

 

Theo nongnghiep.vn (Duc Thuy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ