SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hiệu quả của thực khuẩn thể phòng trị bệnh thối hạt do vi khuẩn Burkholderia glumae trên lúa

[13/08/2019 15:55]

Nghiên cứu do các tác giả: Đoàn Thị Kiều Tiên, Lê Quốc Uy, Bùi Thị Thanh Mỹ, Nguyễn Thị Thu Nga - Khoa Nông Nghiệp và Sinh học Ứng Dụng, trường Đại học Cần Thơ; Kaeko Kamei - Viện Công Nghệ Kyoto, Nhật Bản thực hiện.

Ảnh: sưu tầm

Bệnh thối hạt hay còn gọi là bệnh lép vàng trên lúa do vikhuẩn Burkholderia glumae là mầm bệnh quan trọng trong sản xuất lúa gạo toàn cầu có thể ảnh hưởng năng suất khoảng 75% và nó trở nên nghiêm trọng hơn khi trái đất ngày càng ấm dần và thiếu các biện pháp kiểm soát (Chien et al.,1983; Tsushima et al.,1986 Jeong et al., 2003, Ham et al., 2011). Theo Frampton et al. (2012), vi khuẩn gây bệnh trên cây trồng đã kháng với các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất là kháng sinh hoặc thuốc gốc đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam do tập quán canh tác của nông dân chủ lực dựa vào biện pháp hóa học vì vậy rất khó quản lý bệnh do vi khuẩn. Do đó, biện pháp phòng trừ sinh học bằng thực khuẩn thể (TKT) là một trong những công cụ được sử dụng trong phòng trị bệnh cây trồng do vi khuẩn ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng trong nông nghiệp vì thực khuẩn thể rất chuyên tính, không phải là hoạt chất kháng sinh và ít ảnh hưởng đến môi trường (Frampton et al., 2012). Thật vậy, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng thực khuẩn thể có khả năng phòng trị hiệu quả đối với bệnh thối hạt (Adachi et al., 2012; Phan Quốc Huy và ctv., 2016). Trên cơ sở đó, “Nghiên cứu hiệu quả của thực khuẩn thể phòng trị bệnh thối hạt do vi khuẩn Burkholderia glumae trên lúa” được thực hiện nhằm tuyển chọn dòng TKT cũng như mật số TKT mang lại hiệu quả phòng trị, đồng thời tìm ra chất phụ gia góp phần bảo vệ chúng trên bề mặt tán lá cây nhằm gia tăng hiệu quả phòng trừ bệnh.

Đánh giá hiệu quả của 6 dòng thực khuẩn thể (ФBurVL34, ФBurVL39, ФBurAG58, ФBurDT46, ФBurĐT47a, ФBurDT48a) phòng trị bệnh thối hạt do vi khuẩn B. glumae trong điều kiện nhà lưới. Tất cả 6 dòng thực khuẩn thể thể hiện phòng trị bệnh với tỷ lệ hạt bệnh thấp hơn nghiệm thức đối chứng. Trong đó, dòng thực khuẩn thể ФBurDT47a  cho hiệu quả phòng trị cao hơn so với các dòng thực khuẩn thể còn lại vào thời điểm 20 ngày sau khi lây bệnh. Ngoài ra, tất cả bốn mật số thực khuẩn thể ФBurDT47a (105 pfu/ml; 106 pfu/ml; 107 pfu/ml; 108 pfu/ml) có thể ngăn chặn bệnh và mật số 108 pfu/ml cho hiệu quả tốt nhất. Kết quả nghiên cứu về chất phụ gia bổ sung vào huyền phù thực khuẩn thể để gia tăng hiệu quả phòng trị bệnh cho thấy ba chất phụ gia (bột cà rốt, bột đậu nành và bột bắp) cho tỷ lệ bệnh thấp hơn so với nghiệm thức chỉ áp dụng thực khuẩn thể không có chất phụ gia.

Tạp chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 7-Phần B (lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài