SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Biến động quần thể cá đỏ mang (Systomus rubripinnis Valenciennes, 1842) ở khu vực dọc Sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long

[23/08/2019 15:39]

Nghiên cứu do hai tác giả Âu Văn Hóa và Trần Văn Việt thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Cá đỏ mang (Systomus rubripinnis) là loài cá thuộc họ cá chép (Cyprinidae), sống trong thủy vực nước ngọt, nơi có diện tích ngập nước lớn và có dòng chảy. Ở Châu Á chúng phân bố tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Java của Indonesia và Việt Nam.

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Ở Việt Nam, loài này phân bố ở Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, chúng sinh sản vào đầu mùa mưa, cá đực thành thục ở kích cỡ 10 g/cá thể và cá cái là 21,6 g/cá thể. Trong tự nhiên chúng được khai thác với mục đích thương phẩm, làm chả và chế biến các món ăn truyền thống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và làm cá cảnh. Đây là loài cá ăn tạp thiên về thực vật và mùn bã hữu cơ, vì vậy ngoài vai trò thương mại thì cá đỏ mang còn chức năng sinh thái quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay các thông tin về cá đỏ mang chưa nhiều, các nghiên cứu chỉ tập trung vào mô tả hình thái, cấu tạo cơ quan tiêu hóa, dinh dưỡng, đặc điểm sinh sản, nhưng chưa có nhiều thông tin về biến động quần thể.

Vì vậy, nghiên cứu sự biến động quần thể của cá đỏ mang (Systomus rubripinnis) ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm xác định các thông số quần thể, các đặc điểm sinh học, sinh sản làm cơ sở cho việc phát triển loài này.

Nghiên cứu thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016 tại dọc tuyến sông Hậu thuộc hai vùng An Giang và Cần Thơ trên các thủy vực: ao, hồ, sông rạch và ruộng ngập nước. Ngư cụ chính là dớn và lưới rê dùng cho 12 đợt thu mẫu (1 đợt/tháng). Mẫu cá được cân khối lượng (g) và đo chiều dài (cm) để theo dõi sự biến động về số lượng và kích cỡ của cá theo thời gian và không gian.

Kết quả cho thấy mức tăng trưởng loài này là K = 0,5/năm, tỷ lệ sống của cá sau khi nở đến kích cỡ khai thác trong tự nhiên là 6,2%, mức chết tổng Z = 2,8/năm; giai đoạn cá bị khai thác nhiều nhất là 8-11 cm; cá kích cỡ nhỏ hơn ít bị khai thác do ít bị ảnh hưởng bởi ngư cụ và hiếm gặp cá kích cỡ lớn; chiều dài mà cá có thể đạt là L∞ = 20,5 cm; mùa vụ sinh sản của loài này quanh năm, đỉnh điểm tập trung vào mùa mưa và mùa lũ; thức ăn là thực vật phiêu sinh và mùn bã hữu cơ; cá cỡ lớn bắt gặp ở vùng thượng nguồn nhiều hơn.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 8/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ