SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của màng phủ đến sâu đục củ, sinh trưởng, năng suất và chất lượng giống khoai lang tím HL491

[23/08/2019 16:04]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Lê Vĩnh Thúc, Lê Văn Vàng, Võ Ngọc Thúy- Trường ĐHCT thực hiện nhằm mục tiêu xác định hiệu quả của màng phủ lên thiệt hại do sâu đục củ, sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng củ khoai lang tím HL491 tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Trên thế giới, khoai lang (Ipomoea batatas (L.) Lam.) là cây lương thực rất quan trọng sau lúa, lúa mì, bắp và khoai mì (Lin et al., 2007) và được trồng chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C và calci giúp làm giảm chứng đầy hơi. Củ và lá khoai lang được sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc (Woolfe, 1992). Việt Nam có diện tích và sản lượng khoai lang là 126.900 ha, 1,32 triệu tấn, đứng thứ năm trên thế giới sau Trung Quốc, Nigeria, Uganda và Indonesia. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 21.400 ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Vĩnh Long là tỉnh có diện tích canh tác và sản lượng khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL với diện tích 11.300 ha và sản lượng 310.300 tấn/năm (Tổng Cục Thống Kê, 2016). Bình Tân là huyện trồng khoai lang trọng điểm của tỉnh Vĩnh Long có diện tích trồng hằng năm hơn 10 ngàn ha (Lê Thị Thanh Hiền và ctv., 2014). Tuy nhiên, việc sản xuất khoai lang ở huyện Bình Tân đối mặt với việc tấn công của sâu đục củ, sùng khoai lang nên nông dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác khoai lang (Lê Thị Thanh Hiền và ctv., 2014). Sâu đục củ khoai lang ăn phá phần vỏ củ khoai tạo thành những lỗ tròn nhỏ (đường kính từ 0,3 mm - 2,0 mm) trên bề mặt củ, không ảnh hưởng đến chất lượng phần thịt củ nhưng làm giảm giá trị thương phẩm của củ (Nguyễn Hồng Lĩnh và ctv., 2016).

Sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác cây trồng giúp hạn chế sâu bệnh tấn công (Lamont et al., 1996), đất giảm thất thoát phân, giữ ẩm tốt, hạn chế cỏ dại giúp cây trồng phát triển tốt, cho năng suất và phẩm chất cao (Agbede et al., 2013). Nhiều nghiên cứu trên thế giới công bố canh tác cây trồng sử dụng màng phủ làm giảm thất thoát phân (Lamont, 1996). Hơn nữa, màng phủ nông nghiệp còn giúp tiết kiệm nước cung cấp cho cây (Hou et al., 2015). Những kết quả nghiên cứu cho thấy trồng khoai lang phủ giồng bằng màng phủ bạc cho năng suất cao hơn không phủ (Brown et al., 1998; Novak et al., 2007). Màng phủ nông nghiệp còn giúp hạn chế cỏ dại phát triển (Hou et al., 2015) và hạn chế củ khoai lang mọc mầm (Onwueme, 1978).

Ở ĐBSCL, màng phủ bạc được sử dụng rất nhiều trong sản xuất các loại cây trồng vì hạn chế được thất thoát phân (Trần Thị Ba và ctv., 2004), sâu bệnh tấn công trên thân lá (Nguyễn Văn Huỳnh và ctv., 2009), cỏ dại và yếu tố bất lợi của môi trường (Trần Thị Ba, 2010). Tuy nhiên, nghiên cứu áp dụng màng phủ trên trên khoai lang thì chưa có công bố. Chính vì vậy, đề tài này được thực hiện nhằm mục tiêu xác định ảnh hưởng của màng phủ lên thiệt hại do sâu đục củ, sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng củ khoai lang tím HL491.

Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên 3 nghiệm thức là 1/ Không phủ (đối chứng), 2/ Màng phủ bạc và 3/ Màng phủ trong suốt với 4 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy ở nghiệm thức màng phủ bạc khoai lang có chiều dài dây, số dây nhánh, tổng số củ, số củ thương phẩm, kích thước củ, cao hơn so với không phủ và màng phủ trong suốt. Màng phủ bạc hạn chế rất nhiều sự tấn công của sâu hại củ sâu khoai lang.

Giống khoai lang tím HL491 được được cung cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Hom giống được lấy từ ngọn khoai lang trồng khoảng 120-135 ngày.

Đất thí nghiệm có hàm lượng hữu cơ là 2,49%, đạm tổng số là 0,29%, 0,08% P O , 0,04 meq/100g Kali 4,09 meq/100g calci và pH là 4,8.

Thí nghiệm được bố trí ở vụ Thu - Đông, theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 3 nghiệm thức, 4 lần lặp lại (mỗi lần lặp lại là 1 lô tương ứng với diện tích là 10 x 5,25 m). Tổng diện tích thí nghiệm là 630 m2. Các nghiệm thức trong thí nghiệm gồm: 1/ Không phủ (đối chứng), 2/ Màng phủ bạc và 3/ Màng phủ trong suốt.

Nhiệt độ giồng khoai lang được ghi nhận bằng nhiệt kế cắm sâu cách mặt liếp là 5 cm ở giữa giồng khoai, được đo vào 4 thời điểm trong ngày là 8:00, 12:00, 16:00 và 19:00 h ở thời điểm xử lý xuống củ. Các chỉ tiêu thu thập gồm có chiều dài dây chính, số nhánh, số củ và số củ thương phẩm (khối lượng củ >50 g, không sâu bệnh, dị tật) trên dây, khối lượng củ trên dây được thu thập trên 12 dây đã đánh dấu trước trên lô. Năng suất củ tấn/ha được tính sau khi loại bỏ các củ khoai bị sâu bệnh dị tât. Phẩm chất củ khoai là đo độ cứng, hàm lượng anthocyanin, hàm lượng chất khô, độ Brix. Hàm lượng chất khô củ khoai được tính là lấy ngẫu nhiên 2 củ khoai lang trên lô gọt bỏ vỏ và cắt nhỏ sấy khô ở nhiệt độ 600C cho đến khi khối lượng không đổi. Độ cứng củ (kgf/mm2) đo bằng fruit pressure tester –FT327 đo tại 3 vị trí trên củ. Độ Brix thịt củ đo bằng cân 2 g thịt củ nghiền nhuyễn với 2 ml nước cất và đo bằng Brix kế được đo bằng chiết quang kế (0 – 32o Brix) (Atago, Nhật Bản). Năng suất khoai lang được tính trên lần lặp lại sau khi loại đi diện tích thu mẫu đánh giá tình hình sâu đục củ tấn công ở các thời điểm và xác định tình hình xuống củ và quy về năng suất tấn/ha. Tỷ lệ sâu đục củ khoai lang được lấy một điểm ngẫu nhiên trên lô với diện tích 1 m2, sau đó tính tỷ lệ củ bị sâu đục củ tấn công trên tổng số củ thu được. Số liệu ghi nhận được trong các thí nghiệm được phân tích phương sai ANOVA để so sánh các số liệu trung bình giữa các nghiệm thức.

Khoai lang được bón 200 kg phân hữu cơ vi sinh Bioway (Công ty Bioway Hitech)/ha lúc chuẩn bị đất. Sau đó tưới ẩm giồng khoai và bón 1 lần theo công thức phân 10 kg đạm/ha, 10 kg lân/ha và 7,5 kg kali/ha. Màng phủ được phủ hết giồng mô và sử dụng đất giữ mép màng phủ, tránh gió vào bên trong màng phủ. Sử dụng cây tre để làm thủng màng phủ và trồng dây khoai.

Qua nghiên cứu cho thấy, trồng khoai lang sử dụng màng phủ bạc cho năng suất cao hơn so với canh tác không phủ (tăng 11,1%). Dây khoai lang phát triển tốt ở giai đoạn đầu, có tổng số củ trên dây nhiều (4,3 củ/dây). Các chỉ tiêu về phẩm chất như độ cứng, độ Brix, hàm lượng chất khô thịt củ không không thay đổi. Màng phủ bạc hạn chế sâu đục củ khoai lang tấn công.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 55(3B): 34-39.
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ