SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ảnh hưởng của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công tới các hệ sinh thái ven biển

[29/08/2019 15:11]

Để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và ứng phó với biến đổi và nước biển dâng, ý tưởng về xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công đã được hình thành với các mục tiêu như chống ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP. Hồ Chí Minh trước mắt và lâu dài, giảm chiều sâu và thời gian ngập lụt, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công và Long An.

Đồng thời rút ngắn khoảng cách từ các tỉnh miền Tây với các tỉnh ở Nam Trung Bộ, xây dựng hệ thống cảng biển, tạo động lực mở rộng và hình thành chuỗi đô thị mới. Vùng ven biển khu vực xây dựng tuyến đê nằm ở vùng cửa sông Đồng Nai - cửa sông hình phễu lớn nhất Việt Nam, được hình thành và phát triển tự nhiên, do phù sa cung cấp từ hệ thống sông Đồng Nai, không bị ngăn cách bởi hệ thống đê biển như vùng cửa sông Bạch Đằng.

Các hệ sinh thái ven biển của Dự án tuyến đê Vũng Tàu-Gò Công nằm ở khu vực vùng biển ven bờ, các bãi triều lầy, có rừng ngập mặn, bãi triều cát tiếp giáp vùng biển ven bờ, với hệ sinh thái rừng ngập mặn chiếm ưu thế. Rừng ngập mặn Cần Giờ là cánh rừng được phục hồi tốt nhất, hiện là rừng phòng hộ ven biển, là lá phổi xanh của thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là khu rừng trồng đầu tiên trên thế giới và khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Tại Việt Nam chưa cócông trình đê biển nào xây dựng đê chắn cửa sông, nhất là cửa sông lớn như Sài Gòn - Đồng Nai. Ở Việt Nam, cũng chưa có công trình đê biển nào được tiến hành ở khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, các khu bảo tồn hay khu dự trữ sinh quyển. Nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của việc xây dựng đê biển ở vùng cửa sông, đặc biệt là cửa sông lớn, tới các hệ sinh thái vùng của sông ven biển, trong đó có rừng ngập mặn chưa được tiến hành ở Việt Nam. Do vậy, nhằm đánh giá chi tiết hiện trạng các hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và hệ sinh thái biển ven bờ vùng dự kiến xây dựng tuyến đê, cũng như tác động của Dự án tới vùng này, nhóm nghiên cứu do TS Lê Xuân Tuấn, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công tới các hệ sinh thái ven biển”. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở cho các nhà quản lý đưa ra những quyết định cần thiết liên quan tới việc xây dựng tuyến đê. Việc lựa chọn phương án đê biển hợp lý về phương diện sinh thái sẽ giúp cho chúng ta đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. 

Phạm vi và đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu sẽ được tiến hành trên đia bàn huyên Cần Giờ và vùng biển ven bờ huyện Cần Giờ (đây là khu vự dự kiến xây dựng tuyến đê). Đối tượng nghiên cứu là hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển ven bờ (khu vực dự kiến xây dựng tuyến đê) và chủ yếu tập trung vào tác động tới các hệ sinh thái do những thay đổi của môi trường sau khi xây dựng tuyến đê và phương thức vận hành các cống.

Các nội dung nghiên cứu bao gồm: Thu thập, phân tích, tổng quan các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng ngập mặn và cửa sông ven biển khu vực Dự án; Nghiên cứu, điều tra, đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái biển khu vực Dự án; Phân tích, đánh giá trạng hiện trạng đa dạng sinh học trong hệ sinh thái khu vực dựán; Lượng giá kinh tế hệ sinh thái; Nghiên cứu ảnh hưởng và dự báo diễn biến, thay đổi của hệ sinh thái rừng ngập mặn/hệ sinh thái ven biển theo các phương án trong ý tưởng xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công; Nghiên cứu, dự đoán khả năng phục hồi và thích ứng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và vùng lân cận theo các phương án xây dựng đê biển; Xây dựng bản đồ hiện trạng phân bố, thay đổi dự kiến về hệ động, thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ tỷ lệ 1/10.000; Nghiên cứu, đề xuất lựa chọn phương án hệ thống đê biển hợp lý (xét theo khía cạnh sinh thái) và các giải pháp thích ứng. 

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, đề tài rút ra một số kết luận như sau:

- Chất lượng nước khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ và biển ven bờ huyện Cần Giờ thay đổi theo mùa, có dấu hiệu bị ô nhiễm trong mùa khô và không bị ô nhiễm trong mùa mưa.

- Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và biển ven bờ huyện Cần Giờ khá đa dạng về thành phần loài: 105 loài cây ngập mặn thuộc 48 họ; 66 loài thực vật nổi thuộc 3 ngành Tảo Lam, Tảo Silic và Tảo Giáp; 61 loài và nh m loài động vật nổi thuộc các nhóm Copepoda, Cladocera; 204 loài động vật đáy thuộc 56 họ phân bố ở trong và ngoài rừng ngập mặn; 184 loài cá trong 60 họ thuộc 22 bộ; Lớp Lưỡng cực có 14 loài thuộc 5 họ, 1 bộ; 35 loài bò sát thuộc 13 họ, 2 bộ; 139 loài chim đã được xác định; 25 loài thú với bầy khỉ khoảng hơn 1000 con tại Lâm viên và hơn 300 cá thể dơi ở khu vực Vàm Sát. 

- Thực vật nổi và động vật nổi sẽ có những thay đổi về thành phần loài, phân bố, sinh trưởng do chế độ vận hành, thay đổi độ mặn, độ đục, tốc độ nước chảy. Vùng bị ảnh hưởng mạnh nhất là vùng lòng hồ và các sông nhánh nối giữa sông Soài Rạp và Lòng Tàu khi xây dựng công trình.

- Động vật đáy ở khu vực bãi bồi, đất ngập nước, rừng ngập mặn và các đầm nuôi ở khu vực phía tây sông Lòng Tàu tới tuyến đê bao sông Soài Rạp - Nhà Bè, vùng lòng hồ bị ảnh hưởng lớn. Các bãi bồi khu vực xây dựng tuyến đê bao, cống điều tiết cũng như nền đáy khu vực tuyến đê biển bị chiếm dụng và động vật đáy quanh khu vực này sẽ bị thay đổi rất lớn về thành phần. Các bãi nuôi ngao, sò huyết ở vùng lòng hồ sẽ bị ảnh hưởng lớn trong cả giai đoạn xây dựng và vận hành dự án.

- Thành phần và sinh trưởng của cá bị ảnh hưởng trong cả quá trình xây dựng và vận hành. Các loài cá trong khu vực lòng hồ sẽ thích nghi dần với chế độ nửa đầm phá do trao đổi với nước biển chỉ thông qua chế độ điều tiết của các cống với ưu thế là loài cá nước lợ. Có 45 loài cá thuộc nhóm cá biển xâm nhập vào nước ngọt theo các hệ thống sông được tìm thấy ở khu vực này sẽ bị hạn chế di cư vào sâu trong nội địa do việc xây dựng tuyến đê biển, tuyến đê bao và các cống Lòng Tàu, đập Đồng Tranh.

- Sinh trưởng, phát triển và khả n ng tái sinh tự nhiên của cây ngập mặn bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau do thay đổi chế độ dòng chảy, lưu lượng, mực nước, vận chuyển trầm tích. Cây ngập mặn nằm giữa sông Lòng Tàu và Thị Vải sẽ chịu ảnh hưởng ít. Cây ngập mặn ở vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn các tiểu khu 17, 20 và 15a sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.

- Trong số các loài chim và thú, bầy Khỉ ở Lâm Viên (tiểu khu 17) sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến Dơi và Chim ở khu vực Vàm Sát do chất lượng rừng ngập mặn, bãi bồi có thể giảm sút hoặc bị mất.

- Các mức tác động tới các khu vực thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và hệ sinh thái biển ven bờ huyện Cần Giờ thể hiện:

+ Mức1: khu vực đất ngập nước xã Tam Thôn Hiệp và rừng ngập mặn phía đông sông Lòng Tàu (các tiểu khu 24, 1, 2, 3, 23, 4 , 4B, 6 , 6B, 7, 12, 13, 14, 18, 21, 22, 14, 19, một phần tiểu khu 11)

+ Mức 2: tiểu khu 9, 10a, một phần phía đông tiểu khu 11, một phần tiểu khu 5b, 5a giáp với sông Lòng Tàu, và một phần tiểu khu 16 (giáp với sông Đồng Tranh), vùng biển ven bờ phía ngoài đê biển (khu vực xây dựng tuyến đê)

+ Mức 3: khu vực đất ngập nước (không thuộc các tiểu khu rừng phòng hộ) ven sông Soài Rạp, tiểu khu 8, một phần tiểu khu 16 (nơi giáp với sông Cát Lái), một phần phía bắc tiểu khu 17 và 20

+ Mức 4: một phần các tiểu khu 17, 20, 15a (sân chim Vàm Sát), vùng lòng hồ

Từ các kết luận này, nhóm nghiên cứu kiến nghị đề xuất phương án: Không nên xây dựng tuyến đê biển liên tục từ Vũng Tàu tới Gò Công do tác động rất mạnh đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn và biển ven bờ, thậm chí dẫn đến mất những diện tích rừng ngập mặn rất lớn, kể cả vùng lõi khu dự trữ sinh quyển; Khẩu độ cống lớn (B= 3000 - 4000m) trong các phương án đề xuất sẽ tốt hơn cho cây ngập mặn và sinh vật thuỷ sinh; Tất cả các kênh dọc theo sông Soài Rạp, đặc biệt là các sông, kênh lớn như kênh Bà Tòng, sông Vàm Sát, sông Kho Mắm,... cần phải được kết nối với sông Soài Rạp qua điều tiết của các cống; Cần chuyển vị trí đập Đồng Tranh xuống phía nam cửa sông Hà Thanh, ra phía cửa vịnh Đồng Tranh và nối với cực nam của tiểu khu 20.

Đối với Chế độ vận hành: Cần đảm bảo chế độ vận hành sao cho không gây ngập cục bộ trong thời gian dài, quá 24 tiếng, không để độ mặn giảm đột ngột gây sốc cho các loài thuỷ sinh vật và không để độ mặn giảm xuống trong thời gian dài để đảm bảo môi trường sống cho các loài cây theo vùng. 

Ngoài ra, cần tiếp tục đánh giá một cách chi tiết về chế độ thuỷ thạch động lực, mức độ ngập, chế độ triều ở các nhánh sông, kênh rạch, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn nằm phía tây sông Lòng Tàu và phía đông sông Soài Rạp. Từ đó làm cơ sở đánh giá chi tiết hơn về tác động của việc xây dựng tuyến đê với hệ sinh thái vùng này, đặc biệt là sự tác động đến suy thoái/gây chết cây ngập mặn, động vật đáy. Tiến hành thí nghiệm và thử nghiệm sự thay đổi một số yếu tố môi trường (thay đổi độ mặn, mức độ ngập, thời gian ngập,..) đối với một số loài sinh vật đáy, cây ngập mặn ở vùng nghiên cứu. Mô hình hoá về sự thay đổi nguồn thứ căn, dinh dưỡng khi có tuyến đê, từ đó đánh giá ảnh hưởng tới chuỗi/lưới thức ăn trong vùng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13033-2016) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài