SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát khả năng kháng bệnh bạc lá và rầy nâu của tập đoàn lúa địa phương Việt Nam tạo nguồn vật liệu khởi đầu

[22/09/2019 16:59]

Bệnh bạc lá do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra và rầy nâu (Nilaparvata lugens) là hai loại gây hại nguy hiểm và được xác định có thể gây thiệt hại rất lớn đến năng suất lúa hàng năm, đặc biệt là ở Việt Nam.

Ảnh: Internet

Ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn từ ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Điều kiện ngoại cảnh bất lợi, đặc biệt là sự phát triển không kiểm soát của sâu bệnh hại, đã tác động rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa, làm sụt giảm năng suất và chất lượng gạo. Đây rõ ràng là một thách thức mà ngành sản xuất lúa gạo đang phải đối diện. Trong số dịch bệnh gây hại trên lúa hiện nay, bạc lá (do vi khuẩn Xanthomonas oryzae) và rầy nâu (Nilaparvata lugens)được xem là hai mối hiểm họa thường xuyên tác động trên đồng ruộng (Hu et al., 2016; Mundt et al., 1999). Bệnh bạc lá thường tấn công bộ lá và lá đòng vào giai đoàn trỗ nên có thể làm năng suất lúa sụt giảm rất mạnh, từ 25 ÷ 50 %, thậm chí mất trắng (Mundt et al., 1999), trong khi rầy nâu được biết đến như là vector trung gian mang virus gây bệnh cũng ảnh hưởng và gây ra thiệt hại không nhỏ đến sản xuất lúa gạo (Bentur et al., 1982). Nhằm tuyển chọn và đề xuất một số giống lúa địa phương có tính kháng bệnh tốt làm nguồn vật liệu khởi đầu cho công tác chọn tạo giống, nhóm tác giả của Viện Di truyền Nông nghiệp, VAAS đã thực hiện nghiên cứu Khảo sát khả năng kháng bệnh bạc lá và rầy nâu của tập đoàn lúa địa phương Việt Nam tạo nguồn vật liệu khởi đầu.

Vật liệu nghiên cứu được nhóm tác giả sử dụng là 50 giống lúa địa phương tại Việt Nam được cung cấp từ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và 10 chủng vi khuẩn bạc lá có độc tính cao và ổn định, đặc trưng cho miền Bắc và miền Trung của Việt Nam, được thu thập, phân lập và lưu trữ tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2016 đến 6/2017 tại Bộ môn Sinh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số các giống lúa đưa vào đánh giá không có khả năng kháng được bệnh bạc lá. Bốn giống lúa là Nanh chồn, Một bụi đỏ, Lúa Sết cách và Chệt xanh được xác định là các giống thể hiện tính kháng vừa đến kháng cao với 10/10 chủng vi khuẩn đưa vào đánh giá. Trong số 50 giống lúa địa phương đưa vào đánh giá, duy nhất có giống lúa Phka Nhây biểu hiện khả năng kháng tốt (điểm 1) với rầy nâu, các giống lúa còn lại đều không có khả năng kháng rầy (điểm đánh giá từ 5 trở lên). Qua đó, nhóm tác giả đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu lập bản đồ các gen kháng mới trong nguồn giống lúa địa phương Việt Nam nhằm tìm kiếm gen kháng mới có hiệu quả cho sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ