SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG PHÂN HỮU CƠ ĐƯỢC LÀM TỪ VỎ QUẢ SẦU RIÊNG TẠI HUYỆN TRẢNG BOM, TỈNH ĐỒNG NAI

[24/09/2019 15:53]

“Đánh giá chất lượng phân hữu cơ được làm từ vỏ quả sầu riêng tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai” được thực hiện với mục đích tận dụng, tái chế phế phẩm, tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ủ phân và chất lượng của sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ nhằm giảm tác hại đến môi trường và giảm chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Sầu riêng là một cây ăn quả nhiệt đới rất được yêu thích tại Đông Nam Á và được trồng phổ biến ở Việt Nam. Đã từ lâu sầu riêng là một trong những cây ăn quả nổi tiếng khắp nơi. Quả sầu riêng cho ra nhiều sản phẩm có giá trị như: phần thịt là dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe, lọc máu, phần vỏ dùng để chữa bệnh đầy bụng, khó tiêu, cảm sốt. Ngoài ra phần vỏ còn được ứng dụng trong xử lý nước thải làm vật liệu hấp phụ kim loại nặng, hoặc hấp phụ dầu tràn trong nước. Sản lượng sầu riêng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung là tương đối lớn và không ngừng tăng lên. Một quả sầu riêng trung bình thu hoạch phần ruột được 15 – 30% trọng lượng quả thực, còn lại là lớp vỏ bao quanh chiếm 70 – 85% được thải bỏ ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, trong năm 2012 tổng lượng cung phân bón cho ngành nông nghiệp Việt Nam khoảng 6,108 triệu tấn. Trong đó lượng phân bón sản xuất trong nước đạt 2,59 triệu tấn. Lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam năm 2010 đạt 3,518 triệu tấn. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước là rất lớn. Hơn nữa phân bón sản xuất cũng như nhập khẩu chủ yếu là phân hóa học nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng độ phì nhiêu của đất, làm xói mòn đất. Hiện nay có rất nhiều biện pháp xử lý chất thải hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường, tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp  thành sản phẩm có giá trị kinh tế. Trong đó biện pháp được ưu tiên hàng đầu hiện nay để xử lý chất thải là sử dụng biện pháp phân huỷ sinh học

Nghiên cứu được dựa trên phương pháp thu và phân tích mẫu theo APHA, 1998 và Andrew, D.E, S.C., Lenore, E.G., Arnold, 1995. Sau 51 ngày ủ phân hữu cơ với vật liệu vỏ quả sầu riêng gồm mô hình có bổ sung bùn hoạt tính và bổ sung chế phẩm sinh học Trichoderma cho thấy quá trình phân hủy hiếu khí diễn ra khá tốt. Với vật liệu là vỏ quả sầu riêng được bổ sung chế phẩm Trichoderma và bùn hoạt tính, sau 51 ngày quá trình ủ phân compost kết thúc đã thu được 3 loại phân có chất lượng khác nhau. Quá trình phân hủy sinh học hiếu khí vỏ quả sầu riêng diễn ra khá tốt. Nhiệt độ trong khối ủ dao động khoảng 23,40C – 56,80C, độ ẩm dao động từ 45,2% – 57,3%, pH dao động từ 5,8 – 7,1 hàm lượng Cacbon giảm từ 72,10% - 33,68%. Tỷ lệ N:P:K đạt 1,34%:2,21%:1,09%. Tuy nhiên chất lượng phân tốt nhất là phân bổ sung chế phẩm Trichoderma với khối lượng 5 kg vỏ quả đầu vào và 5 g chế phẩm. Thời gian cho quá trình ủ diễn ra tốt nhất là 51 ngày

Qua thí nghiệm gieo hạt đậu xanh cho thấy mô hình có bổ sung chể phẩm Trichoderma cho hiệu quả hơn so với 2 mô hình bổ sung bùn hoạt tính và mô hình đối chứng. Chất lượng sản phẩm phân compost được thí nghiệm trên cây đậu xanh và kết quả cho thấy cây phát triển bình thường.

 Nghiên cứu đã kiểm tra khả năng nảy mầm, sinh trưởng, phát triển của hạt đậu xanh trên sản phẩm phân vừa ủ xong, kết quả hạt đậu xanh đã nảy mầm bình thường và phát triển tương đối tốt trên sản phẩm ủ được.

TC Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, Tập 2 - Số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ