SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

KH&CN và ĐMST là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ

[26/09/2019 08:53]

KH&CN và ĐMST yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước. Đó chính là trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị “KH,CN và đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”, tại TP. Vũng Tàu, do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức ngày 24/9.

Bộ trưởng bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị.

Yếu tố quyết định sự phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chu Ngọc Anh khẳng định: Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. Đây là không chỉ là vấn đề quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ mà nó còn có ý nghĩa đối với cả quốc gia vì vùng Đông Nam Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư nước ngoài của cả khu vực phía Nam. Đồng thời là vùng kinh tế phát triển năng động và có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của cả nước, góp phần to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao trong những năm gần đây.

Trong những năm gần đây, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cũng đã thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, trong đó các ngành công nghiệp công nghệ cao là trọng tâm. Có thể thấy ví dụ rõ rệt là Bà Rịa Vũng Tàu, trước đây kinh tế dựa phần lớn vào nguồn dầu khí nhưng hiện nay đã xác định chiến lược phát triển dựa trên 5 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và công nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT cho biết: “tỉnh đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế không lệ thuộc vào dầu khí mà. Tỉnh xác định tỷ trọng dầu khí trong phát triển nền kinh tế - xã hội sẽ ngày càng giảm, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa tăng nội địa công nghiệp và cảng biển, coi đây là 2 lĩnh vực quan trọng. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững - một sự phát triển thu hút đầu tư có chọn lọc, nghiên cứu mô hình của Isarel họ coi KH&CN là lĩnh vực vô cùng thiêng liêng và đặc biệt đầu tư phát triển”.

Tỉnh BR-VT đã triển khai đồng loạt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, trong đó tỉnh xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương phục vụ phát triển kinh tế.

Các tỉnh trong vùng đã nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ để giải các bài toán đặt ra cho từng địa phương. Trong ảnh là nhóm thực hiện giải pháp công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Công ty TNHH Nhà Nước MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BUSADCO). Ảnh: truyenthongkhoahoc.

Thu hút nguồn nhân lực KH&CN

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội thì cần có cơ chế, chính sách về KH&CN đồng bộ; cần có các giải pháp thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng; có giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN từ Nhà nước, xã hội và DN... Đồng thời, phải xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT khẳng định: Những năm qua BR-VT đã kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, các dự án có ứng dụng KH-CN cao, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, BR-VT hoàn toàn tự tin vào đường hướng phát triển. Tuy nhiên, để KH&CN là động lực thúc đẩy sự phát triển cho BR-VT nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung, Bộ KH&CN cần điều chỉnh các mô hình chính sách cho 3 đối tượng: Nhà nghiên cứu, nhà khoa học; doanh nghiệp ứng dụng KH&CN; thu hút dự án FDI có ứng dụng KH&CN. Khi các nhà khoa học, DN, nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi họ sẽ có động lực để sáng tạo, đổi mới, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất... Lúc đó KH&CN sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhiều ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị cho rằng để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH&CN; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ giải quyết bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường, và doanh nghiệp.

Đăng Minh

www.khoahocphattrien.vn (tnttrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài